biết chưa tới một năm và chưa từng là người bạn thân thiết nhất - diễn
biến của các sự kiện có vẻ cũng tương đối logic. Đây là chuyện luôn
xảy ra khi bạn viết sách. Không chỉ là có cái gì đó thúc đẩy ta tìm hiểu
mọi thứ - mà là cái gì đó bắt đầu đặt mọi thứ vào con đường của ta.
Đột nhiên không một con đường nào là không dẫn thẳng vào nỗi ám
ảnh của ta.
Và thế là ta làm điều tôi đang làm thôi. Coleman, Coleman,
Coleman, người mà giờ đây chẳng là ai nhưng lại chiếm cứ sự tồn tại
của tôi. Dĩ nhiên ông không thể viết sách. Ông đã viết cuốn sách đó -
chính là cuộc đời ông. Viết về mình vừa là sự phơi bày vừa là che
giấu, nhưng với ông chỉ có thể là sự che giấu thế nên nó sẽ chẳng đi
đến đâu. Cuốn sách của ông là đời ông - còn nghệ thuật của ông? Một
khi ông khởi động những bánh răng đời mình, nghệ thuật của ông là
làm một gã da trắng. Theo lời anh trai ông, là “trắng hơn cả người da
trắng”. Đó là hành động phát minh độc nhất của ông: mỗi ngày ông
thức dậy để làm cái con người do chính ông tạo ra.
Chẳng còn mấy tuyết trên mặt đất, chỉ vài mảng giăng mắc trên
những gốc rạ của cánh đồng trống mênh mông, không có dấu vết gì để
tôi theo đuôi, thế nên tôi bắt đầu băng sang mé bên kia, nơi có hàng
cây thưa, và qua hàng cây tôi thấy một cánh đồng khác, thế là tôi cứ đi
đến khi tới được cánh đồng thứ nhì, và tôi băng qua đó, và băng qua
một hàng cây nữa, dày đặc hơn, đầy những dây thường xanh mọc cao,
và ở mé bên kia là một mặt hồ đóng băng như con mắt lấp lánh, hình
bầu dục và nhọn lại ở hai đầu, với những quả đồi nâu lốm đốm tuyết
mọc lên chung quanh hồ và những rặng núi, trông rất dịu dàng, uốn
lượn mãi về xa. Sau khi rời khỏi con đường chừng năm trăm mét, tôi
đã xông vào - không, xâm nhập vào; tôi cảm thấy một cảm giác gần
như phạm pháp... tôi nghĩ mình đã xâm nhập vào một khung cảnh tinh
khôi, chưa bị xâm phạm, thanh thản uyên nguyên, như những khung
cảnh vẫn bao quanh các hồ nước ở New England. Những chỗ thế này
khiến ta nảy sinh một ý nghĩ - như chúng được trân quý vì thế - về