Vào giữa tuần kế tiếp, Coleman nhận được một lá thư nặc danh, dài
đúng một câu, chủ ngữ, vị ngữ, và những bổ ngữ hằn học được viết to
rõ ràng bằng nét chữ lớn trên một tờ giấy đánh máy trắng, cái thông
điệp hai mươi hai chữ ấy, mang ý nghĩa như một bản cáo trạng, phủ
kín trang giấy từ trên xuống dưới:
Ai cũng biết
ông đang lạm dụng tình dục
một phụ nữ bị ngược đãi, thất học
chỉ bằng nửa tuổi
ông
Chữ viết trên cả lá thư lẫn bao thư đều bằng mực bút bi đỏ. Bất
chấp dấu bưu điện thành phố New York trên bì thư, Coleman nhận ra
ngay lập tức nét chữ là của ả phụ nữ trẻ người Pháp đảm nhiệm vị trí
chủ nhiệm khoa của ông lúc ông trở lại dạy sau khi rời khỏi chức chủ
tịch hội đồng giảng viên và sau này cũng nằm trong số những người
hăm hở nhất với việc vạch mặt ông như một kẻ phân biệt chủng tộc và
đáng bị quở trách vì sự xúc phạm nhắm vào hai sinh viên da đen vắng
mặt.
Trong tập hồ sơ Lũ ma mà ông lưu trữ, ở nhiều trang tài liệu đẻ ra từ
vụ này, ông tìm thấy những mẫu chữ viết tay khẳng định giáo sư
Delphine Roux, khoa Ngôn ngữ và Văn chương, chính là người viết lá
thư nặc danh đó. Ngoài việc cô ta in ra thay vì viết tay ba chữ đầu tiên,
Coleman có thể thấy cô ta không thèm cố công đánh lạc hướng bằng
cách giả mạo nét chữ. Cô ta có lẽ đã bắt đầu với ý định đó nhưng có
vẻ đã bỏ qua hoặc quên bẵng nó sau khi viết hết ba chữ “Ai cũng
biết”. Trên bì thư, cô giáo sư gốc Pháp đó thậm chí chẳng buồn tránh
viết những con số bảy kiểu châu Âu đúng kiểu lạy ông tôi ở bụi này
trong khi viết địa chỉ nhà Coleman và mã thư tín. Sự hời hợt này, một
sự thờ ơ kỳ lạ - trong một lá thư nặc danh - trong việc che giấu danh