Authority, thùng thư đầu tiên cô thấy sau khi rời khỏi xe buýt
Bonanza. Nó vẫn còn trên tay khi cô vào tàu điện ngầm, nhưng khi tàu
điện bắt đầu di chuyển cô quên chuyện lá thư, nhét nó vào trong giỏ
xách, và để cho những ý nghĩa của tàu điện ngầm chiếm lấy tâm trí.
Cô vẫn chưa hết kinh ngạc và phấn khích trước tàu điện ngầm New
York. Khi đi Métro
ở Paris cô chưa từng nghĩ về chuyện này, nhưng
vẻ thống khổ u sầu của con người ở tàu điện ngầm New York bao giờ
cũng khôi phục trong cô niềm tin vào tính đúng đắn của quyết định
đến nước Mỹ. Tàu điện ngầm New York tượng trưng cho lý do cô đến
đây - là cử chỉ cự tuyệt không muốn thoái lui trước thực tế của cô.
Cuộc triển lãm Pollock thu hút cảm xúc của cô đến độ cô cảm thấy,
khi cô xem hết bức tranh kỳ diệu này đến bức tranh kỳ diệu khác, thứ
cảm giác mãnh liệt, căng đầy chính là cái ham muốn cuồng điên. Khi
điện thoại di động của một phụ nữ bất ngờ vang lên trong khi toàn bộ
cái hỗn mang của bức tranh có tên Number 1A, 1948 đang ào ạt tiến
vào một không gian mà trước ngày hôm đó - trước cái năm đó - chỉ là
thân xác của cô không hơn, cô giận dữ đến độ quay sang kêu lên,
“Thưa bà, tôi muốn bóp cổ bà cho rồi!”
Sau đó cô đến Thư viện công cộng New York trên phố 42. Cô luôn
luôn làm vậy khi ở New York. Cô đến các bảo tàng, các phòng tranh,
các buổi hòa nhạc, cô đi xem những bộ phim sẽ không bao giờ tìm đến
cái rạp chiếu bóng duy nhất, chán kinh lên được, ở Athena hẻo lánh,
và cuối cùng, bất kể cô đến New York để thực hiện công việc gì, cô
cũng đều có một giờ đọc bất kỳ cuốn sách nào cô mang theo tại phòng
đọc chính của thư viện.
Cô độc. Cô nhìn quanh. Cô quan sát. Cô cảm nắng những người đàn
ông ở đó. Ở Paris cô đã xem phim Marathon Man tại một trong những
đợt liên hoan phim. (Không ai biết rằng khi xem phim cô là một kẻ đa
cảm kinh khủng và thường khóc sướt mướt.) Trong Marathon Man,
nhân vật chính, một cô gái mạo danh sinh viên, thường lui tới thư viện