Hàng năm, Lực thường lên đồng tại một ngôi đền ngoài bắc. Nhưng những
năm gần đây, nhiều ông Đồng bà Đồng ở Hà Nội, và cả ở Lạng Sơn, Thanh
Hóa, Ninh Bình… thường kéo nhau vào lễ và lên đồng tại đền thờ Quan
Hoàng Mười ở Nghệ An - Hà Tĩnh. Nghe nói Ngài thiêng lắm. Trong cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn, khi Lê Lợi - Nguyễn Trãi kéo quân vào Nghệ An,
Quan Hoàng đã gia nhập nghĩa quân và trở thành một vị tướng lừng danh.
Trăm trận trăm thắng. Tả xung hữu đột. Đến nỗi giặc Minh hễ nghe tiếng
Ngài thét là kinh hồn bạt vía, xô nhau chạy tán loạn… Một lần, giặc chiếm
được doanh trại của ta, huênh hoang thách thức ta đánh vào. Ngài đã dùng
kế âm công. Huy động dân chúng làm hàng trăm voi giả và thuyền giả, vờ
nghênh chiến phía trước, để nhử giặc. Đúng như dự đoán, lũ giặc kiêu ngạo
ùa nhau ra đánh, tưởng có thể diệt gọn quân ta chốc lát. Trong khi đó, đội
quân do Ngài chỉ huy bí mật luồn phía sau, bất ngờ đánh tập hậu. Giặc bị
đòn đau, không kịp trở tay, chết như ngả rạ. Ta giành lại được doanh trại.
Đang đà thắng, ngài cầm quân tiến vào quá sâu, bị một thanh gươm lia
ngang cổ… Ngài ôm đầu, phi ngựa về đến làng Xuân Am quê mẹ. Gặp bà
cụ ngồi bán nước chè xanh dưới gốc đa, Ngài hỏi: "Bị chặt đứt cổ rồi, còn
sống được không?". Bà cụ trả lời: "Từ xưa đến nay, tôi chưa thấy ai bị chặt
đứt cổ mà còn sống được!". Bà trao cho Ngài một bát nước chè xanh. Ngài
uống một cách ngon lành. Đưa mắt nhìn quê hương làng xóm. Rồi đầu rơi
xuống đất… Tương truyền nơi Ngài hóa, đất đùn lên thành ngôi mộ còn
mãi đến ngày nay. Trên đường Ngài phi ngựa về làng, máu rỏ xuống nơi
nào thì nơi ấy mọc lên một cây đa, đất đai phì nhiêu, dân cư tụ về, xóm mạc
sầm uất.
Sau khi quét sạch giặc Minh, vua Lê sai dân chúng lập đền thờ Ngài, và lấy
tên trận âm công đặt cho tên xã là Âm Công. Trước đây, làng Xuân Am
thuộc xã Âm Công. Đến triều Nguyễn mới đổi là xã Yên Pháp (nay thuộc
xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên). Từ thời Cảnh Hưng cho đến các
triều đại sau đều phong sắc. Cho đến Cách mạng tháng Tám, tại đền thờ
Ngài đã có hơn bốn mươi đạo sắc.
Ngài lại nổi tiếng là người tài hoa, thích giao du trăng gió, ngâm vịnh thi
phú. Trong bài chầu văn ca ngợi công đức Ngài, có đoạn: