ví ra.
Tôi bụng bảo dạ: “À, thằng cha nó chơi khăm mình, ra nó giữ cả hai vé!”
Nhưng không, Phát mở ví lục soát giấy má trong mấy ngăn rồi… rồi lại
bỏ ví vào túi.
Rồi hắn nghiễm nhiên xách va ly ra. Người thu vé cản lại hỏi vé, Phát
quắc mắt hỏi:
- Vé nào nữa, tôi vừa đưa cho ông thôi!
Thế là cãi nhau tíu tít, kẻ nói không, người nói có, duy chỉ tôi biết rõ:
trong hai người kẻ nói dối tất không phải là người thu vé. Ông xếp ga ra,
hỏi duyên cớ. Thế là lại cãi nhau tíu tít vẫn kẻ nói không người bảo có.
Kỳ Phát bỗng vỗ tay cười rầm lên, rồi bảo ông xếp ga rằng:
- À, tôi nhớ ra rồi. Lúc nẫy ở trên tầu tôi không sẵn giấy, có lấy bút chì
tính trên mặt sau chiếc vé. Đây tôi còn nhớ, tôi làm phép nhân 78,57 x 9,
sau tôi buồn tay lại có ký cả tên vào nữa, ông thử lục tập vé xem có thấy
không nào?
Lẽ tất nhiên là có thấy. Thế là Kỳ Phát đường hoàng xách va ly ra cổng,
sau khi nghe lời ông xếp mắng người làm, và lời xin lỗi của người thu vé.
Ra khỏi cổng Phát vỗ vai tôi cười bảo:
- Ta đi thôi chứ, đi mà tra xét cái án mạng kia, đấy anh xem đọc truyện
trinh thám có cái lợi nhỡn tiền là như thế. Ở Club des Masques cũng có một
chuyện từa tựa như vậy. Tôi chỉ hơi tiếc một điều là chàng thu vé bị cái oan
tầy đình, cái oan Thị Kính. Tôi đoán chắc chàng thu vé tối hôm ấy về nhà
sau khi kể chuyện lại cho vợ và con nghe sẽ nói:“Quái, tôi không lầm mà,
rõ ràng hắn để va ly xuống, rút vé ra định đưa vé nhưng không đưa mà lại
bỏ ví vào. Ấy thế mà có vé của hắn trong tay mình, ấy mới thực là lạ.”
Bây giờ hẳn chàng không lấy làm lạ nữa, mong chàng hãy đọc ở mấy
hàng đây, lời xin lỗi trân trọng của Kỳ Phát và của người chép chuyện này.