Mũi chủy ấy đã lập được nhiều chiến công oanh liệt cho Phương ngũ lão,
vậy mà bây giờ mang bán cũng chẳng được bao tiền. Lão vẫn còn tiếc rẻ
mọi vật đã bao năm không rời lão nên cuối cùng lão chỉ xin cầm chứ không
bán đứt. Mụ già họ Tương xem ngắm mũi chủy, gật gù bảo lão Phương
rằng:
- Mũi chủy này chỉ đáng giá ở cái chuôi bằng bạc chạm trổ công phu,
nhưng thời này, ai dùng đến binh khí nữa. Vậy cái chuôi bạc, người ta sẽ
đúc lại là làm các đồ trang sức, còn cái lưỡi kia, có tiếc thì tra thêm chiếc
cán gỗ vào, dùng làm dao chọc tiết lợn thì chắc cũng tốt!
Trời ơi, lão Phương nghe mụ Tương nói dùng mũi chủy đã từng thấm
máu anh hùng thiên hạ làm dao chọc tiết lợn, có khác gì Quan Vân Trường
thấy người bán dùng con Xích thố để làm ngựa kéo xe…
Nhưng thời thế đã mạt anh hùng!
Việc chính lúc này không phải là đem bàn giá trị của mũi chủy, mà chỉ là
điều đình cách nào cho mụ Tương bằng lòng cầm mũi chủy cao thêm được
vài ba đĩnh bạc!
Đã năm ngày hôm nay, Phương ngũ lão không hề có một hạt cơm vào
bụng. Ông già giang hồ ấy thấy mình khó còn cách nào sống được vì ngoài
bộ quần áo lót mình, lão không còn có lấy một vật gì khả dĩ đổi lấy được
một chén gạo hẩm để nấu cháo nữa.
Lão lang thang ngoài đường, giống hệt những con chó đói vô chủ, gầy
gò, dơ xương sườn, xương sống. Bỗng lão chợt nghe thấy tiếng người vui
vẻ hỏi:
- Phương ngũ gia đi đâu đấy?
Phương lão nhìn lại, thấy người vừa gọi mình đó chính là Lý Sinh, anh
chàng bán hàng tơ lụa. Lý Sinh vốn là con nhà gia thế, trước kia đã theo
học và đã nổi tiếng là một nho sinh có văn tài. Nhưng mấy cơn bạo bệnh
liên tiếp đến làm cho Lý Sinh bỗng trở nên ốm yếu, người gầy nhom, trí
nhớ kém cỏi, hai mắt mờ quáng, gân tay run rẩy, không thể theo học được
nữa. Thực là một tai hại cho nhà họ Lý vì từ xưa đến nay, ai cũng biết dòng