lớn với mẹ. Mỗi lần bố về muộn là mẹ chỉ biết ngồi nhà dán mắt và ti vi lo
lắng theo dõi tin tức về các vụ cháy trong vùng. Nếu có tin tức gì, bà sẽ trở
nên cáu bẳn với chúng tôi và bồn chồn xoay đi xoay lại chiếc nhẫn cưới
cho đến khi nhìn thấy bố về nhà, lấm đầy bụi khói, mệt mỏi rã rời và tim
vẫn đập thình thịch.
Bên cạnh cái nỗi lo luôn thường trực rằng bà có thể sẽ mất đi chồng
mình bất kỳ lúc nào, mẹ tôi còn phải chấp nhận một nỗi buồn nữa về việc
có chồng làm nghề cứu hỏa. Đúng là công việc ấy rất quả cảm và hẳn vợ
của những người lính đó phải cảm thấy rất tự hào vì chồng của họ đều là
những anh hùng. Nhưng thử nghĩ xem đã bao nhiêu lễ Giáng Sinh, bao
nhiêu lễ Tạ ơn, bao nhiêu buổi thi đấu, bao nhiêu buổi biểu diễn ở trường,
bao nhiêu buổi tập bơi, bao nhiêu bữa ăn tối mà vắng mặt bố? Hàng chục,
có khi hàng trăm. Kể cả khi bố đang ở nhà thì máy bộ đàm cũng có thể reo
bất kỳ lúc này, hoặc bố đang hướng dẫn cấp dưới qua điện thoại, hoặc đi
họp công đoàn, hoặc tổ chức lớp tập huấn. Thậm chí vào những ngày cuối
tuần hiếm hoi mà ông không phải làm việc, ông cũng thấy sốt ruột nếu một
buổi chiều Chủ nhật trôi qua mà không có sự vụ gì và rốt cuộc ông lại mò
tới Sở Cứu hỏa chỉ để chắc chắn là mọi chuyện vẫn ổn.
Hai năm trước, anh lính mới Benny Grzowski bị ngã từ nóc nhà xuống
khi đang làm nhiệm vụ thông hơi cho một tòa nhà đang cháy. Anh đã hi
sinh ở tuổi hai mươi lăm.
Có lẽ không có buổi lễ nào trịnh trọng và u ám hơn tang lễ của một
người lính cứu hỏa. Cả gia đình tôi đều có mặt, ai nấy mặt mũi nặng như
chì (chỉ trừ có tôi là khóc ầm ĩ). Chúng tôi phủ đất lên quan tài và đưa tiễn
anh về nơi an nghỉ. Bia mộ khắc tên anh, ngày hi sinh cùng lời đề mộ
truyền thống. “Người chồng. Người cha. Người lính cứu hỏa”. Sau buổi lễ
mẹ đứng nhìn chằm chằm vào tấm-bia mộ và nói với tôi, giọng run run.
“Mẹ sợ một ngày nào đó người nằm đây sẽ là bố con”, nói rồi bà lập tức
nhìn đi chỗ khác. “Đừng bao giờ lấy một người đàn ông yêu công việc của
mình hơn yêu con, Chastity ạ”.