các trường hợp, cái chết xảy ra chỉ trong vòng ba ngày từ khi xuất hiện các
triệu chứng vừa mô tả.
Dân chúng ở Anh biết bệnh dịch sắp đến và ý thức về cái chết đang lơ
lửng. Vào giữa tháng 8/1348, vua Edward III yêu cầu tổng giám mục
Canterbury tổ chức cầu nguyện và nhiều giám mục viết thư để các tu sĩ đọc
ở nhà thờ nhằm giúp giáo dân đối phó với những gì sắp xảy ra với họ. Cha
Ralph xứ Shrewsbury, giám mục xứ Bath, viết cho các tu sĩ:
Chúa trời toàn năng sử dụng sấm sét và những tai họa khác từ quyền
năng của Người để trừng phạt những người con mà Người muốn cứu rỗi.
Vì lẽ đó, từ khi một dịch bệnh thảm khốc từ phương Đông tràn tới vương
quốc láng giềng, chúng ta hết sức lo sợ rằng, trừ khi chúng ta không ngừng
dốc lòng cầu nguyện, dịch bệnh tương tự sẽ vươn những cánh tay độc hại
vào vương quốc này, đánh gục và bắt mất con dân chúng ta. Do đó, chúng
ta phải đến xưng tội trước Người, cùng hát khúc thánh ca.
Điều đó cũng không có tác dụng. Dịch bệnh lan truyền và nhanh
chóng giết chết khoảng một nửa dân số Anh. Những tai họa như vậy có thể
ảnh hưởng to lớn đến thể chế của xã hội. Cũng dễ hiểu vì sao nhiều người
đã hóa điên. Boccaccio nhận xét: “Có người cho rằng phương thức đúng
đắn để ngăn ngừa tai họa kinh hoàng này là hãy uống cho say, tận hưởng
trọn vẹn cuộc sống, rong chơi khắp nơi ca hát vui đùa, thỏa mãn mọi khao
khát của chúng ta bất kỳ khi nào cơ hội mang đến, nhún vai trước mọi việc
như trước một câu chuyện đùa… và đó là lý do khiến những người phụ nữ
sau khi bình phục dường như trở nên ít đạo hạnh hơn”. Thế nhưng dịch
bệnh cũng có một tác động chuyển hóa về mặt xã hội, kinh tế và chính trị
đối với các xã hội châu Âu thời Trung cổ.
Bước sang thế kỷ 14, châu Âu sống trong trật tự xã hội phong kiến.
Cách tổ chức xã hội này xuất hiện trước tiên ở Tây Âu sau khi Đế quốc La
Mã sụp đổ, dựa vào mối quan hệ tôn ti trật tự giữa nhà vua và giới lãnh
chúa bên dưới vua, với tầng lớp nông dân ở dưới đáy xã hội. Vua sở hữu và