hoàn toàn, và nhiều nhà nước châu Phi sụp đổ tan tành. Cho dù một vài nhà
nước mới, đôi khi cũng khá hùng mạnh, được hình thành để khai thác hoạt
động mua bán nô lệ, các nhà nước này sống bằng chiến tranh và cướp bóc.
Thời điểm quyết định khám phá ra châu Mỹ có thể giúp nước Anh phát
triển các thể chế dung hợp nhưng lại làm cho các thể chế ở châu Phi thậm
chí còn trở nên mang tính chiếm đoạt hơn.
Cho dù việc mua bán nô lệ nhìn chung đã chấm dứt từ sau năm 1807,
chủ nghĩa thực dân châu Âu chẳng những đã đẩy lùi quá trình hiện đại hóa
kinh tế mới phôi thai ở nhiều vùng thuộc Nam và Tây Phi mà còn cắt đứt
khả năng cải cách thể chế bản xứ. Điều này có nghĩa là ngay cả bên ngoài
những vùng như Congo, Madagascar, Namibia và Tanzania, những nơi mà
cướp bóc, tàn phá và thậm chí giết chóc trên quy mô lớn đã trở thành luật,
cũng ít có cơ hội để châu Phi thay đổi lộ trình thể chế của họ.
Thậm chí còn tệ hơn, cơ cấu cai trị thuộc địa đã để lại cho châu Phi
vào thập niên 1960 một di sản thể chế còn độc hại và phức tạp hơn so với
lúc mới bắt đầu thời kỳ thuộc địa. Sự phát triển thể chế chính trị và kinh tế
ở nhiều thuộc địa châu Phi có nghĩa là thay vì tạo ra một thời điểm quyết
định để cải thiện thể chế, nền độc lập đã mở đường cho các nhà lãnh đạo vô
liêm sỉ tiếp quản và tăng cường sự chiếm đoạt mà thực dân châu Âu từng
cai trị. Các động cơ chính trị mà cơ cấu này tạo ra đã dẫn đến một kiểu
chính trị chỉ tái tạo phương thức quyền sở hữu không đảm bảo và không
hiệu quả trong những nhà nước có xu hướng chuyên chế mãnh liệt nhưng
thiếu thẩm quyền tập trung đối với lãnh thổ của họ.
Cuộc Cách mạng công nghiệp vẫn không lan đến châu Phi vì châu lục
này đã trải qua một vòng xoáy đi xuống lâu dài của sự tồn tại dai dẳng và
sự tái tạo các thể chế chính trị và kinh tế chiếm đoạt. Botswana là một
ngoại lệ. Như ta sẽ thấy, vào thế kỷ 19, vua Khama, ông của vị thủ tướng
Botswana đầu tiên thời kỳ sau độc lập, Seretse Khama, đã phát động thay
đổi thể chế nhằm hiện đại hóa các thể chế chính trị và kinh tế của bộ lạc.