triều đại nhà Minh quyết định rằng thương mại đường dài và sự phá hủy
sáng tạo mà hoạt động này mang lại sẽ đe dọa sự thống trị của họ vào cuối
thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15.
Ở Ấn Độ, sự phân hóa thể chế đã vận hành một cách khác biệt và dẫn
đến sự phát triển một hệ thống đẳng cấp cha truyền con nối cứng nhắc đặc
thù, làm hạn chế sự vận hành của thị trường và sự phân bổ lao động giữa
các ngành nghề còn nghiêm trọng hơn so với trật tự phong kiến ở châu Âu
thời Trung cổ. Hệ thống đó cũng chống đỡ cho một hình thức cứng rắn của
chủ nghĩa chuyên chế dưới sự cai trị của các hoàng đế triều đại Hồi giáo
Mông cổ Mughal. Hầu hết các nước châu Âu cũng có các hệ thống tương tự
vào thời Trung cổ. Những tên họ Anglo-Saxon hiện đại như Baker, Cooper
và Smith là hậu duệ trực hệ của kiểu nghề nghiệp cha truyền con nối này.
Những người nhà Baker thì làm bánh, dòng họ Cooper đóng thùng, còn gia
tộc Smith làm thợ rèn kim loại. Nhưng những kiểu nghề nghiệp này không
bao giờ cứng nhắc như sự phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ và dần dần trở thành
vô nghĩa trong việc dự đoán nghề nghiệp của một người. Cho dù các
thương nhân Ấn Độ buôn bán trên khắp Ấn Độ Dương và ngành dệt đã
phát triển, hệ thống đẳng cấp và chủ nghĩa chuyên chế Mughal là những trở
ngại nghiêm trọng đối với sự phát triển các thể chế kinh tế dung hợp ở Ấn
Độ. Cho đến thế kỷ 19, tình hình thậm chí còn kém hy vọng đạt được công
nghiệp hóa hơn khi Ấn Độ trở thành thuộc địa, bị Anh chiếm đoạt và khai
thác. Trung Quốc chưa bao giờ chính thức là thuộc địa của một cường quốc
phương Tây nào, nhưng sau khi người Anh đánh bại Trung Quốc trong
cuộc Chiến tranh Nha phiến từ năm 1839 đến 1842, rồi một lần nữa từ năm
1856 đến 1860, Trung Quốc đã ký kết một loạt hiệp ước ô nhục cho phép
hàng xuất khẩu của châu Âu thâm nhập thị trường. Khi Trung Quốc, Ấn Độ
và các nước khác không thể tranh thủ các cơ hội thương mại và công
nghiệp, thì châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, đã tụt lại đằng sau trong khi Tây
Âu tiến lên phía trước.