QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỂ CHẾ của Nhật Bản vào thế kỷ 19
một lần nữa cũng minh họa cho sự tương tác giữa những thời điểm quyết
định và những khác biệt nhỏ hình thành từ sự phân hóa thể chế. Cũng như
Trung Quốc, Nhật Bản cũng được cai trị bằng chủ nghĩa chuyên chế. Dòng
tộc Tougawa tiếp quản đất nước vào năm 1600 và cai trị đất nước theo chế
độ phong kiến cũng cấm đoán thương mại quốc tế. Nhật Bản cũng đứng
trước một thời điểm quyết định hình thành từ sự can thiệp của phương Tây
khi bốn tàu chiến Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Matthew C. Perry tiến vào
vịnh Edo và tháng 7/1853, yêu cầu đất nước phải nhượng bộ thương mại
tương tự như nước Anh đã ép được Trung Quốc sau cuộc Chiến tranh Nha
phiến. Nhưng thời điểm quyết định này kết thúc rất khác ở Nhật Bản. Cho
dù kế cận bên nhau và thường xuyên tương tác, cho đến thế kỷ 19, Trung
Quốc và Nhật Bản đã trở nên rất phân hóa về mặt thể chế.
Tuy sự cai trị của Tokugawa ở Nhật Bản có tính chất chuyên chế và
chiếm đoạt, họ chỉ kiểm soát một cách hời hợt, đồng thời nhạy cảm trước
sự thách thức của những lãnh chúa phong kiến chủ yếu khác. Cho dù có
những cuộc nổi loạn của nông dân và xung đột dân sự, chủ nghĩa chuyên
chế ở Trung Quốc mạnh hơn, và sự chống đối kém tổ chức và kém tự trị
hơn. Ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo các lãnh địa khác không có thế lực
tương đương để có thể thách thức sự cai trị chuyên chế của nhà vua và đi
tìm một đường lối thể chế khác. Sự khác biệt thể chế này, vốn chỉ là nhỏ bé
so với sự khác biệt làm ngăn cách giữa Trung Quốc và Nhật Bản so với Tây
Âu, nhưng đã có những hệ quả quyết định trong thời điểm quyết định hình
thành từ sự xuất hiện như vũ bão của người Anh và người Mỹ. Trung Quốc
tiếp tục đường lối chuyên chế sau cuộc Chiến tranh Nha phiến, trong khi sự
đe dọa của Hoa Kỳ đã thắt chặt sự chống đối chế độ Tokugawa ở Nhật Bản
và dẫn đến cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân, như chúng ta sẽ thấy trong
chương 10. Cuộc cách mạng chính trị này giúp phát triển các thể chế chính
trị dung hợp hơn, và các thể chế kinh tế còn trở nên dung hợp hơn nữa, đặt
nền móng cho sự tăng trưởng nhanh chóng sau này của Nhật Bản, trong khi
Trung Quốc suy yếu dần trong chủ nghĩa chuyên chế.