định về các thông số của hòa bình. Nổi bật trong số những người tham dự
là Woodrow Wilson, tổng thống Hoa Kỳ. Đáng chú ý là sự vắng mặt của
Nga. Chế độ Sa hoàng đã bị lật đổ bởi lực lượng Bôn-sê-vích vào tháng
10/1917. Nội chiến diễn ra ác liệt giữa Hồng quân (Bôn-sê-vích) và Bạch
vệ. Cả Anh, Pháp và Mỹ đều cử các lực lượng viễn chinh đi chiến đấu
chống lại Bôn-sê-vích. Một phái đoàn dưới sự lãnh đạo của nhà ngoại giao
trẻ William Bullit và cựu binh tình báo kiêm nhà báo Lincoln Steffens được
phái đến Moscow gặp Lenin để cố gắng tìm hiểu ý định của Bôn-sê-vích và
tìm cách đạt được thỏa thuận với họ. Steffens nổi tiếng là một nhà báo đả
phá những tín ngưỡng lâu đời, phơi bày những vụ bê bối và kiên trì vạch
trần những cái xấu trong chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ. Ông đến Nga vào thời
điểm cách mạng. Sự hiện diện của ông nhằm làm cho phái đoàn trông có vẻ
đáng tin và không quá thù địch. Phái đoàn quay về với bản phác thảo những
đề nghị từ Lenin về những gì họ sẽ chấp nhận để có nền hòa bình với đất
nước Xô viết vừa thành lập. Steffens sững sờ trước những gì ông xem là
tiềm năng vĩ đại của chế độ Xô viết.
Ông hồi tưởng lại trong cuốn tự truyện năm 1931: “Nước Nga Xô viết
là một chính phủ cách mạng với một kế hoạch cách mạng. Kế hoạch của họ
không phải là chấm dứt những cái xấu như giàu và nghèo, hối lộ, đặc
quyền, bạo ngược và chiến tranh bằng hành động trực tiếp, mà là tìm kiếm
và loại trừ nguyên nhân gốc rễ của cái xấu. Họ đã thiết lập một nhà nước
chuyên chính, được ủng hộ bởi một thiểu số được đào tạo để xây dựng và
sắp xếp lại một cách khoa học các sức mạnh kinh tế trong một vài thế hệ,
mà trước tiên sẽ dẫn đến một nền dân chủ kinh tế rồi mới đến một nền dân
chủ chính trị”.
Từ phái đoàn ngoại giao quay về, Steffens đến thăm người bạn cũ, nhà
điêu khắc Jo Davidson và thấy ông này đang tạc bức tượng bản thân của
nhà tài phiệt Bernard Baruch. Baruch hỏi: “Thế là anh đã đến Nga rồi đấy
à?” Steffens đáp: “Tôi đã đến tương lai, và nó đang chạy tốt”. Ông sẽ hoàn