hoàn toàn. Thế nhưng Liên Xô vẫn tăng trưởng nhanh chóng. Lý do chẳng
có gì khó hiểu. Cho phép dân chúng tự ra quyết định thông qua thị trường
là con đường tốt nhất để xã hội sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Thay
vì thế, khi nhà nước hay một nhóm quyền thế thiểu số kiểm soát toàn bộ
nguồn lực, sẽ không tạo ra các động cơ khuyến khích mà cũng không có sự
phân bổ kỹ năng và tài năng của dân chúng một cách hiệu quả. Nhưng
trong một số trường hợp, năng suất của vốn và lao động trong một lĩnh vực
hay một hoạt động nhất định, như công nghiệp nặng ở Liên Xô, có thể cao
đến mức ngay cả một quá trình mệnh lệnh từ trên xuống dưới trong các thể
chế chiếm đoạt để phân bổ nguồn lực vào lĩnh vực đó vẫn có thể tạo ra tăng
trưởng. Như ta đã thấy trong chương 3, thể chế chiếm đoạt ở các hòn đảo
Caribê như Barbados, Cuba, Haiti và Jamaica có thể tạo ra những mức thu
nhập tương đối cao vì nó phân bổ nguồn lực vào hoạt động sản xuất đường,
một hàng hóa mà cả thế giới khao khát. Sản xuất đường dựa vào lực lượng
nô lệ chắc chắn không phải là “hiệu quả”, và không có thay đổi công nghệ
hay sự phá hủy sáng tạo nào trong các xã hội này, nhưng điều đó không
ngăn họ đạt được một mức độ tăng trưởng nhất định trong các thể chế
chiếm đoạt. Tình huống ở Liên bang Xô viết cũng tương tự như vậy, trong
đó công nghiệp đóng vai trò như đường ở vùng Caribê. Tăng trưởng công
nghiệp ở Liên Xô còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa bởi vì công
nghệ của họ tương đối lạc hậu so với công nghệ hiện có ở châu Âu và Hoa
Kỳ, vì thế lợi ích to lớn có thể được gặt hái thông qua việc tái phân bổ
nguồn lực vào lĩnh vực công nghiệp, ngay cả khi tất cả những điều này
được thực hiện một cách phi hiệu quả và cưỡng bức.
Trước năm 1928 phần lớn người Nga sống ở nông thôn. Công nghệ
mà nông dân sử dụng vẫn còn sơ khai, và có ít động cơ khuyến khích gia
tăng năng suất. Trên thực tế, những tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa phong
kiến Nga chỉ vừa được xóa bỏ ngay trước Thế chiến thứ nhất. Vì thế vẫn
còn tiềm năng kinh tế to lớn chưa được khai thác từ việc tái phân bổ lao
động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Công nghiệp hóa theo kiểu Stalin là
một phương thức thô bạo để khai thác tiềm năng này. Bằng mệnh lệnh,