thiện câu nói này dưới một hình thức đi vào lịch sử như sau: “Tôi đã nhìn
thấy tương lai, và nó đang chạy tốt”.
Từ đó mãi cho đến đầu thập niên 1980, nhiều người phương Tây vẫn
nhìn thấy tương lai ở Liên Xô, và họ vẫn tin rằng mô hình này đang chạy
tốt. Theo một ý nghĩa nào đó, mô hình Xô viết đã có tác dụng, hay ít nhất
đã có tác dụng trong một thời gian. Lenin qua đời năm 1924, và đến năm
1927, Joseph Stalin tăng cường kiểm soát đất nước. Ông thanh trừng các
đối thủ và phát động phong trào đẩy nhanh công nghiệp hóa. Ông làm điều
này thông qua việc tiếp thêm sức mạnh cho Ủy ban Kế hoạch nhà nước,
được gọi là Gosplan, ra đời từ năm 1921. Gosplan soạn thảo Kế hoạch 5
năm lần thứ nhất cho giai đoạn 1928-1933. Tăng trưởng kinh tế theo kiểu
Stalin rất đơn giản: phát triển công nghiệp theo mệnh lệnh nhà nước và thu
thập nguồn lực cần thiết cho sự phát triển này bằng cách đánh thuế nông
nghiệp với thuế suất rất cao. Liên Xô lúc đó không có một hệ thống thuế
hữu hiệu, vì thế, thay vào đó, Stalin đã “hợp tác hóa” nông nghiệp. Quá
trình này dẫn đến việc bãi bỏ các quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai và
đưa toàn thể dân chúng nông thôn vào các nông trang tập thể khổng lồ dưới
sự điều hành của Đảng. Điều này giúp Stalin dễ dàng thâu tóm sản lượng
nông nghiệp và sử dụng nó để nuôi những người đang xây dựng và vận
hành các công xưởng mới. Hệ quả của chủ trương này đối với người dân
nông thôn thật là thảm họa. Các nông trang tập thể hoàn toàn không tạo ra
động cơ khuyến khích nông trang viên tích cực làm việc, vì thế sản lượng
giảm mạnh. Vì phần lớn những gì sản xuất ra đều bị chiếm đoạt nên dân
chúng không có đủ lương thực để ăn. Họ bắt đầu chết dần chết mòn vì đói.
Cuối cùng có đến 6 triệu người chết đói, trong khi hàng trăm nghìn người
khác bị giết hay bị đày đến Siberia trong thời kỳ hợp tác hóa cưỡng bức.
Cả nền công nghiệp mới hình thành cũng như hợp tác hóa nông nghiệp
đều phi hiệu quả kinh tế theo nghĩa là hệ thống đã không sử dụng tốt nhất
những nguồn lực hiện có. Thoạt nghe thì điều này có vẻ như là công thức
dẫn đến thảm họa và đình trệ kinh tế, nếu không muốn nói là sụp đổ kinh tế