trung phải đạt chỉ tiêu sản lượng theo kế hoạch, cho dù những kế hoạch này
thường được thương lượng lại và điều chỉnh. Từ thập niên 1930, người lao
động được thưởng nếu đạt mức sản lượng được giao. Các mức khen thưởng
này có thể khá cao - chẳng hạn như lên đến 37% tiền lương cho ban quản lý
hay các kỹ sư cao cấp. Nhưng việc khen thưởng này thật ra không khuyến
khích thay đổi công nghệ vì nhiều lý do. Thứ nhất, hoạt động phát minh đổi
mới sẽ lấy đi nguồn lực của hoạt động sản xuất hiện tại, có nguy cơ dẫn đến
việc không đạt chỉ tiêu sản lượng và vì thế sẽ không được khen thưởng.
Thứ hai, chỉ tiêu sản lượng thường dựa vào mức sản lượng trước đó. Điều
này tạo ra động cơ to lớn khiến người ta không bao giờ mở rộng sản lượng,
vì điều đó có nghĩa là sẽ phải sản xuất nhiều hơn nữa trong tương lai, vì khi
ấy chỉ tiêu tương lai sẽ được nâng lên. Thành tích thấp hơn khả năng luôn
là cách tốt nhất để đạt chỉ tiêu và được khen thưởng. Việc tiền thưởng được
thanh toán hàng tháng cũng làm cho mọi người tập trung vào hiện tại, trong
khi hoạt động phát minh đổi mới buộc phải hy sinh hiện tại để có được
nhiều hơn trong tương lai.
Thậm chí khi tiền thưởng và các động cơ khuyến khích có tác dụng
trong việc thay đổi hành vi, chúng cũng gây ra một số trục trặc khác. Kế
hoạch hóa tập trung không thể thay thế những gì mà nhà kinh tế học vĩ đại
thế kỷ 18 Adam Smith gọi là “bàn tay vô hình” của thị trường. Khi kế
hoạch vạch ra chỉ tiêu sản xuất thép tấm theo số tấn thì người ta sẽ sản xuất
những tấm thép quá nặng. Khi kế hoạch vạch ra chỉ tiêu sản xuất thép tấm
theo diện tích, ngươi ta sẽ làm những tấm thép quá mỏng. Khi kế hoạch
vạch ra chỉ tiêu sản xuất đèn chùm theo trọng lượng, người ta sẽ làm những
chiếc đèn chùm nặng đến mức không thể treo lên trần nhà.
Cho đến thập niên 1940, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã ý thức rõ ràng
về những động cơ ngược này, mặc dù có thể những người hâm mộ họ ở
phương Tây chưa nhận ra. Giới lãnh đạo Xô viết hành động như thể điều đó
là do vấn đề kỹ thuật, có thể sửa chữa được. Ví dụ, họ bãi bỏ việc khen
thưởng dựa vào chỉ tiêu sản lượng, cho phép doanh nghiệp dành riêng một