phần lợi nhuận để khen thưởng. Nhưng “động cơ lợi nhuận” cũng không
khuyến khích phát minh đổi mới hơn so với động cơ dựa vào chỉ tiêu sản
lượng. Hệ thống giá dùng để tính lợi nhuận gần như hoàn toàn không liên
quan đến giá trị của phát minh hay công nghệ mới. Không giống với nền
kinh tế thị trường, giá cả ở Liên Xô do nhà nước ấn định, và vì thế gần như
không liên quan gì đến giá trị. Để tạo ra các động cơ khuyến khích phát
minh đổi mới cụ thể hơn, Liên Xô áp dụng hệ thống khen thưởng phát
minh vào năm 1946. Ngay từ năm 1918, họ đã áp dụng nguyên tắc là nhà
phát minh sẽ được thưởng tiền cho phát minh của họ, nhưng tiền thưởng
được ấn định ít ỏi và không liên quan đến giá trị của công nghệ mới. Điều
này chỉ thay đổi vào năm 1956, khi luật quy định rằng tiền thưởng sẽ tỷ lệ
với năng suất của phát minh. Tuy nhiên, vì năng suất được tính theo lợi ích
kinh tế đo lường bằng hệ thống giá cả hiện hữu, nên điều này một lần nữa
cũng không mang lại nhiều động cơ khuyến khích phát minh. Còn rất nhiều
ví dụ về những động cơ khuyến khích ngược mà các kế hoạch này vạch ra.
Chẳng hạn như, vì quỹ khen thưởng phát minh bị giới hạn bởi tổng quỹ
lương của một doanh nghiệp, nên điều này ngay lập tức làm hạn chế động
cơ khuyến khích sản xuất hay áp dụng bất kỳ phát minh nào có thể giúp tiết
kiệm lao động.
Việc chú trọng vào các quy tắc và hệ thống khen thưởng khác nhau có
xu hướng làm lu mờ các trục trặc cố hữu khác của hệ thống. Khi thẩm
quyền và quyền lực chính trị tùy thuộc vào Đảng Cộng sản Liên Xô thì
không thể thay đổi căn bản các động cơ khuyến khích đối với dân chúng,
dù có tiền thưởng hay không. Ngay từ đầu, Stalin không chỉ sử dụng “củ
cà-rốt” mà cả “cây gậy”, thậm chí là những cây gậy to, để dọn đường. Năng
suất trong nền kinh tế cũng tương tự như vậy. Hệ thống luật pháp luôn có
các điều khoản áp dụng biện pháp hình sự đối với những người lao động bị
coi là trốn tránh công việc. Một đạo luật ban hành vào tháng 6/1940, trong
đó chỉ cần 20 phút vắng mặt không phép hay thậm chí chểnh mảng trong
công việc đã bị coi là “tình trạng vắng mặt không chính đáng” và bị quy là
vi phạm hình sự, bị phạt lao động nặng nhọc trong vòng 6 tháng và cắt 25%