sụp đổ hoàn toàn. Cho dù phù du, kiểu tăng trưởng này minh họa cách thức
các thể chế chiếm đoạt có thể kích thích hoạt động kinh tế như thế nào.
Xuyên suốt lịch sử, hầu hết các xã hội được cai trị bằng các thể chế
chiếm đoạt, và những người đã xoay sở để áp đặt mức độ trật tự nhất định
trên những đất nước này đều có thể tạo ra sự tăng trưởng hạn chế nào đó -
ngay cả khi không xã hội nào trong những xã hội chiếm đoạt này có thể đạt
được tăng trưởng bền vững. Trên thực tế, những bước ngoặt lớn trong lịch
sử có thể được mô tả bằng sự đổi mới về thể chế giúp củng cố các thể chế
chiếm đoạt và tăng cường quyền lực của một nhóm người để áp đặt luật lệ
và trật tự, đồng thời hưởng lợi từ sự chiếm đoạt. Trong phần còn lại của
chương này, trước tiên chúng tôi sẽ thảo luận về bản chất của sự đổi mới
thể chế giúp thiết lập một mức độ tập trung hóa nhà nước nhất định và có
thể tạo ra tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt. Sau đó, chúng tôi sẽ chỉ
ra cách thức các ý tưởng này giúp ta hiểu về cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá
mới, sự chuyển đổi quan trọng sang hoạt động nông nghiệp làm cơ sở cho
nhiều khía cạnh của các nền văn minh hiện nay. Chúng tôi sẽ kết luận,
thông qua ví dụ về các thành bang Maya, rằng sự tăng trưởng trong các thể
chế chiếm đoạt bị giới hạn không chỉ do thiếu tiến bộ công nghệ mà còn do
sự đấu đá nội bộ từ những bè phái kình địch muốn tranh giành quyền kiểm
soát nhà nước và chiếm đoạt những gì được tạo ra.
BÊN BỜ SÔNG KASAI
Kasai là một trong những nhánh lớn của sông Congo. Bắt nguồn từ
Angola, sông Kasai chảy lên phía bắc và hòa vào mạn đông bắc sông
Congo ở Kinshasa, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Congo hiện đại. Cho dù
đất nước Congo còn nghèo so với phần còn lại của thế giới, luôn luôn tồn
tại sự khác biệt giàu nghèo giữa các nhóm người khác nhau ở Congo. Sông
Kasai là ranh giới giữa hai trong số những nhóm này. Nếu tiến vào Congo
dọc theo bờ tây của dòng sông này, bạn sẽ nhanh chóng gặp người Lele;
còn nếu đi theo bờ đông bạn sẽ gặp người Bushong (bản đồ 6, chương 2).