Mặc dù Mùa hạ dài và sự hiện diện của các loại thực vật và động vật
cho phép điều này xảy ra, nó không quyết định chính xác ở đâu và khi nào
điều này sẽ xảy ra sau khi khí hậu ấm dần lên. Đúng hơn, điều này được
quyết định bởi sự tương tác của một thời điểm quyết định, Mùa hạ dài, và
sự khác biệt thể chế nhỏ nhưng quan trọng. Khi khí hậu ấm dần, một vài xã
hội, như người Natufian, đã phát triển các yếu tố thể chế tập trung và tôn ti
trật tự, cho dù trên quy mô rất nhỏ so với các nhà nước hiện đại ngày nay.
Cũng như người Bushong dưới thời vua Shyaam, các xã hội tự tổ chức lại
để tranh thủ các cơ hội to lớn hơn hình thành từ sự dồi dào phong phú của
các loài thực vật và động vật hoang dã, và rõ ràng, giới quyền thế chính trị
là những người hưởng lợi chính từ những vận hội mới này và từ quá trình
tập trung hóa chính trị. Những nơi khác, chỉ với một chút khác biệt về thể
chế, đã không cho phép giới quyền thế chính trị của họ tranh thủ những lợi
thế tương tự của thời điểm quyết định này đồng thời tụt lại phía sau trong
quá trình tập trung hóa chính trị và tạo ra các xã hội an cư lạc nghiệp và
phức tạp hơn. Điều này lát đường cho sự phân hóa tiếp tục như ta đã thấy
trước đây. Một khi những điểm khác biệt này đã nổi lên, chúng lan sang
một số nơi nhưng lại không lan sang những nơi khác. Ví dụ, hoạt động
canh tác từ Trung Đông bắt đầu lan truyền sang châu Âu từ khoảng năm
6500 TCN, chủ yếu là hệ quả của hiện tượng di dân. Ở châu Âu, các thể
chế phân hóa khác với các nơi khác trên thế giới như châu Phi, nơi mà các
thể chế ban đầu vốn đã khác và sự đổi mới bắt đầu vận động do Mùa hạ dài
ở Trung Đông xảy ra muộn hơn nhiều, và thậm chí cũng dưới một hình
thức khác.
SỰ ĐỔI MỚI THỂ CHẾ CỦA NGƯỜI NATUFIAN, cho dù rất có thể
đã đặt nền móng cho cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới, đã không để lại
một di sản đơn giản trong lịch sử thế giới và không dẫn đến thịnh vượng
dài hạn trên quê hương họ ở đất nước Israel, Palestine và Syria ngày nay.
Syria và Palestine vẫn là những vùng tương đối nghèo của thế giới hiện đại,
và sự thịnh vượng của Israel chủ yếu được du nhập bởi sự định cư của
người Do Thái sau Thế chiến thứ hai và trình độ học vấn cao của họ cũng