Tiềm năng tạo ra tăng trưởng chiếm đoạt mang lại động lực cho sự tập
trung hóa chính trị và là lý do khiến vua Shyaam mong muốn thành lập
Vương quốc Kuba, và có thể giải thích lý do khiến người Natufian ở Trung
Đông thiết lập một hình thức sơ khai của luật pháp, trật tự, tôn ti và các thể
chế chiếm đoạt cuối cùng dẫn đến cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới. Các
quá trình tương tự cũng có thể làm cơ sở cho sự xuất hiện của các xã hội
định cư và chuyển sang hoạt động nông nghiệp ở châu Mỹ và có thể được
nhận thấy qua nền văn minh tinh xảo mà người Maya xây dựng trên nền
tảng hình thành từ các thể chế chiếm đoạt cao độ, cưỡng bức đa số dân
chúng vì lợi ích của giới quyền thế thiểu số.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng được tạo ra bởi các thể chế chiếm đoạt có
bản chất khác với sự tăng trưởng trong các thể chế dung hợp. Quan trọng
hơn cả là nó không bền vững. Theo đúng bản chất, các thể chế chiếm đoạt
không thúc đẩy sự phá hủy sáng tạo, và trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ
tạo ra sự tiến bộ công nghệ có hạn. Vì thế, sự tăng trưởng do các thể chế
chiếm đoạt tạo ra chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Kinh nghiệm
Xô viết cho ta một ví dụ minh họa sống động về giới hạn này. Liên Xô đã
tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng khi họ nhanh chóng bắt kịp một số công
nghệ tiên tiến trên thế giới, và nguồn lực được phân bổ từ nông nghiệp vô
cùng kém hiệu quả sang công nghiệp. Nhưng cuối cùng, các động cơ
khuyến khích trong mỗi lĩnh vực, từ nông nghiệp đến công nghiệp, đều
không thể kích thích tiến bộ công nghệ. Tiến bộ công nghệ chỉ diễn ra trong
những mảng hoạt động được rót nguồn lực và sự phát minh đổi mới được
ban thưởng mạnh mẽ do vai trò của nó trong sự cạnh tranh với phương Tây.
Sự tăng trưởng của Liên Xô, cho dù nhanh đến mức nào, cũng chỉ tồn tại
trong một thời gian ngắn, và cuối cùng kiệt sức vào thập niên 1970.
Thiếu sự phá hủy sáng tạo và phát minh đổi mới không phải là nguyên
nhân duy nhất dẫn đến giới hạn tăng trưởng nghiêm trọng trong các thể chế
chiếm đoạt. Lịch sử các thành bang Maya minh họa cho một kết cục xấu,
và than ôi, phổ biến hơn, một lần nữa bộc lộ qua lôgic nội tại của các thể