chế chiếm đoạt. Khi các thể chế này tạo ra lợi lộc to lớn cho giới quyền thế,
sẽ có động cơ mãnh liệt thôi thúc những người khác tranh đấu để chiếm chỗ
của giới quyền thế hiện hành. Vì thế, xâu xé nội bộ và bất ổn là hai đặc
điểm cố hữu của các thể chế chiếm đoạt, và chúng không chỉ gây ra tình
trạng kém hiệu quả hơn nữa mà còn đảo ngược sự tập trung hóa chính trị,
thậm chí đôi khi còn dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn luật pháp và trật tự, rơi
vào hỗn loạn, như các thành bang Maya đã từng trải qua sau thành công
tương đối của họ thời cổ đại.
Cho dù vốn dĩ có hạn, tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt xem
ra vẫn phi thường khi chúng đang vận động. Nhiều người ở Liên Xô và còn
nhiều người hơn nữa trong thế giới phương Tây từng kính sợ trước sự tăng
trưởng của đất nước Xô viết trong những thập niên 1920 đến thập niên
1960 và thậm chí đến cuối những năm 1970, theo cùng một cách thức như
họ đã bị mê hoặc bởi nhịp độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh của Trung
Quốc ngày nay. Nhưng như chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn trong chương
15, Trung Quốc là một ví dụ khác về xã hội đang tăng trưởng dưới các thể
chế chiếm đoạt, và một cách tương tự, không chắc có thể tạo ra tăng trưởng
bền vững trừ khi đất nước thực hiện sự chuyển đổi chính trị cơ bản hướng
tới các thể chế chính trị dung hợp.