vệ quyền lợi của các nguyên lão, Lucius Cornelius Sulla, không chỉ đàn áp
dã man các yêu cầu thay đổi mà còn khống chế nghiêm ngặt quyền lực của
các quan hộ dân. Chính những vấn đề này là nhân tố quan trọng dẫn đến sự
ủng hộ mà người dân La Mã dành cho Julius Caesar trong cuộc chiến
chống lại Viện nguyên lão.
Các thể chế chính trị tạo thành cốt lõi của Cộng hòa La Mã bị Julius
Caesar lật đổ vào năm 49 TCN khi ông đưa quân băng qua Rubicon, con
sông ngăn cách Ý với các tỉnh xứ Gaul thuộc La Mã phía nam dãy Alps. La
Mã rơi vào tay Caesar, và một cuộc nội chiến khác nổ ra. Cho dù Caesar
chiến thắng, ông bị ám sát bởi những nguyên lão bất mãn do Brutus và
Cassius cầm đầu vào năm 44 TCN. Cộng hòa La Mã không bao giờ được
tái lập. Một cuộc nội chiến mới bùng phát giữa các kẻ thù của Caesar và
những người ủng hộ ông, đặc biệt là Mark Anthony và Octavian. Sau khi
Anthony và Octavian chiến thắng, họ đấu đá lẫn nhau cho đến khi Octavian
giành thắng lợi trong trận chiến Actium vào năm 31 TCN. Một năm sau, và
suốt 45 năm kế tiếp, Octavian, người mà sau năm 28 TCN được gọi là
Augustus Caesar, đã một mình cai trị La Mã. Octavian thành lập Đế quốc
La Mã, cho dù ông thích dùng danh xưng “nguyên thủ” (princep), một kiểu
“đứng đầu giữa mọi người,” và gọi đây là “chế độ nguyên thủ” (Principate).
Bản đồ 11 trình bày Đế quốc La Mã trong thời kỳ bành trướng nhất vào
năm 117 SCN với dòng sông Rubicon định mệnh mà Caesar đã băng qua.