Geiseric chống lại Ý, qua đó chứng kiến cảnh La Mã sụp đổ và bị cướp bóc
dã man.
CHO ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ THỨ 5, các bộ tộc man di đã ngấp nghé
xâm chiếm La Mã. Một vài sử gia lập luận rằng đây là những kẻ tiếp bước
các đối thủ hung hãn hơn mà người La Mã phải đương đầu suốt thời kỳ
cuối của đế chế. Nhưng thành công của người Goths, rợ Hung và người
Vandals trong cuộc chiến với La Mã là triệu chứng, chứ không phải căn
nguyên sự suy tàn của La Mã. Dưới thời cộng hòa, La Mã từng đối phó với
những đối thủ nguy hiểm hơn và có tổ chức hơn nhiều, chẳng hạn như
người Carthaginian. Sự suy tàn của La Mã có nguyên nhân tương tự như
các thành bang Maya. Các thể chế chính trị và kinh tế ngày càng có tính
chiếm đoạt cao độ đã dẫn đến sự diệt vong của đế chế vì chúng gây ra tình
trạng xâu xé nội bộ và nội chiến.
Nguồn gốc của sự suy tàn ít ra đã manh nha từ lúc Augustus thâu tóm
quyền lực, từ đó khởi động những thay đổi làm cho các thể chế chính trị trở
nên có tính chiếm đoạt hơn. Điều này bao gồm những thay đổi về cơ cấu
quân đội, làm cho phương án “ly khai” của binh lính trở nên bất khả thi,
qua đó xóa bỏ yếu tố then chốt bảo đảm sự đại diện chính trị của người dân
La Mã. Hoàng đế Tiberius, người kế vị Augustus vào năm 14 SCN, đã giải
tán Hội đồng nhân dân và chuyển quyền lực của cơ quan này sang Viện
nguyên lão. Thay cho tiếng nói chính trị, người dân La Mã giờ đây được
cấp phát miễn phí lúa mì, dầu ô-liu, rượu vang, thịt lợn, và được giải trí
bằng đấu trường cùng các trận tranh tài của các đấu sĩ. Với công cuộc cải
cách của Augustus, các hoàng đế bắt đầu không dựa vào quân đội hình
thành từ các chiến binh - nhân dân nữa, mà dựa vào các Đội cận vệ, nhóm
chiến binh chuyên nghiệp quyền thế do Augustus dựng lên. Đội cận vệ
chẳng bao lâu trở thành những kẻ môi giới độc lập quan trọng cho những
người muốn trở thành hoàng đế, thường không thông qua các biện pháp hòa
bình mà bằng nội chiến và thủ đoạn. Augustus cũng củng cố quyền lực của
giới quý tộc chống lại người dân thường, và sự cách biệt giàu nghèo gia