Điều đáng kể là, dưới thời La Mã, sự sáng tạo và lan truyền công nghệ
mới dường như được định hướng bởi nhà nước. Nhưng khi nhà nước quyết
định không quan tâm đến sự phát triển công nghệ thì đây không phải là một
tin tốt lành, và điều này thường xảy ra do nỗi lo sợ về sự phá hủy sáng tạo.
Tác giả La Mã vĩ đại, Trưởng lão Pliny, kể lại câu chuyện như sau. Dưới
triều đại hoàng đế Tiberius, có một người phát minh ra thủy tinh không vỡ
và dâng lên nhà vua với dự kiến sẽ được ban thưởng. Ông trình bày phát
minh của mình và Tiberius hỏi ông đã kể cho ai nghe về phát minh đó hay
chưa. Khi ông đáp rằng ông chưa kể cho ai, Tiberius truyền lôi ông ra ngoài
và giết chết, “vì sợ rằng vàng sẽ trở thành bùn và mất giá trị”. Có hai điều
thú vị về câu chuyện này. Thứ nhất, nhà phát minh đến gặp Tiberius ngay
từ đầu để được ban thưởng, thay vì tự mình thiết lập hoạt động kinh doanh
và kiếm lời bằng cách bán thủy tinh. Điều này cho thấy vai trò của nhà
nước La Mã trong việc kiểm soát công nghệ. Thứ hai, Tiberius muốn hủy
bỏ phát minh do ảnh hưởng kinh tế bất lợi mà nó có thể mang lại. Đây là
nỗi lo sợ về ảnh hưởng kinh tế của sự phá hủy sáng tạo.
Cũng có bằng chứng trực tiếp từ thời Đế quốc La Mã về nỗi lo sợ các
hệ lụy chính trị của sự phá hủy sáng tạo. Suetonius kể lại rằng, người phát
minh ra công cụ vận chuyển cột đá đến Capitol, thành trì của Rome, với chi
phí tương đối thấp, đã xin tiếp kiến Vespasian, vị hoàng đế trị vì từ năm 69
đến 79 SCN. Những chiếc cột đá này rất to, nặng và rất khó vận chuyển. Để
đưa chúng từ các hầm mỏ, nơi người ta tạo ra chúng, đến Rome cần đến
hàng nghìn nhân lực, tốn rất nhiều công quỹ. Vespasian không giết nhà phát
minh nhưng ông từ chối sử dụng sáng kiến này, ông cho rằng: “Làm thế
nào ta có thể nuôi sống dân chúng đây?” Lại một nhà phát minh nữa tìm
đến nhà nước. Có lẽ điều này hợp lẽ tự nhiên hơn so với thủy tinh không
vỡ, vì nhà nước La Mã tham gia sâu rộng vào việc khai khoáng và vận
chuyển cột đá. Một lần nữa, phát minh bị từ chối do mối đe dọa về sự phá
hủy sáng tạo, không phải vì tác động kinh tế mà vì nỗi lo sợ về hệ lụy chính
trị của nó. Vespasian lo ngại rằng nếu ông không duy trì niềm vui của công
chúng và kiểm soát họ thì có bất ổn chính trị. Nhân dân La Mã phải luôn