Xung đột về thể chế và sự phân phối nguồn lực luôn luôn hiện hữu
xuyên suốt lịch sử. Chúng ta đã thấy xung đột chính trị định hình sự tiến
hóa của La Mã cổ đại và của Venice như thế nào, và ở đó, cuối cùng xung
đột đã được giải quyết nghiêng về phía giới quyền thế, những người có thể
củng cố vị trí quyền lực của họ.
Lịch sử vương quốc Anh cũng đầy xung đột giữa triều đình và thần
dân, giữa các nhóm khác nhau tranh giành quyền lực, và giữa giới quyền
thế và người dân. Dù vậy, kết quả không phải lúc nào cũng giúp củng cố
quyền lực hiện hữu. Năm 1215, các quý tộc phong kiến, nhóm quyền thế
ngay bên dưới nhà vua, đã đứng lên yêu cầu vua John ký bản Đại hiến
chương Magna Carta ở Runnymede (xem bản đồ 9 chương 2). Văn kiện
này quy định một số nguyên tắc cơ bản và là sự thách thức đáng kể đối với
thẩm quyền của nhà vua. Quan trọng hơn cả, nó quy định rằng nhà vua phải
tham khảo ý kiến giới quý tộc khi tăng thuế. Điều khoản gây tranh cãi nhất
là điều 61, quy định rằng: “Giới quý tộc sẽ tuyển chọn 25 quý tộc bất kỳ
trong vương quốc như họ muốn, những người sẽ dốc sức quan sát, duy trì
và giúp giám sát nền hòa bình và tự do mà chúng ta đã trao cho và xác nhận
với họ bằng hiến chương này”. Thực chất, giới quý tộc thành lập một hội
đồng để đảm bảo rằng nhà vua phải thực hiện hiến chương, và nếu ông
không thực hiện, 25 quý tộc này có quyền thâu tóm cung điện, đất đai và tài
sản… cho đến khi việc điều chỉnh sửa đổi được thực hiện theo phán quyết
của họ”. Vua John không thích Đại hiến chương Magna Carta, và ngay khi
các quý tộc giải tán, ông buộc đức giáo hoàng hủy bỏ nó. Nhưng quyền lực
chính trị của giới quý tộc và ảnh hưởng của Đại hiến chương vẫn tồn tại.
Nước Anh đã có một bước tiến miễn cưỡng đầu tiên hướng tới chủ nghĩa đa
nguyên.
Xung đột về các thể chế chính trị vẫn tiếp diễn, và quyền lực của triều
đình bị khống chế hơn nữa bởi Quốc hội được bầu lần đầu tiên vào năm
1265. Không như Hội đồng bình dân ở La Mã hay nhánh lập pháp được
bầu ngày nay, các đại biểu Quốc hội thoạt đầu là các quý tộc phong kiến