lực làm cho nhà nước trở nên tập quyền hơn. Sự tập trung hóa thể chế nhà
nước này có nghĩa là lần đầu tiên, các thể chế chính trị dung hợp trở nên
khả thi. Quá trình do Henry VII và Henry VIII phát động không chỉ tập
trung hóa các thể chế nhà nước mà còn làm tăng nhu cầu về sự đại diện
chính trị trên cơ sở rộng rãi hơn. Quá trình tập trung hóa chính trị trên thực
tế có thể dẫn đến một hình thức chủ nghĩa chuyên chế, khi nhà vua và các
cận thần có thể dẹp tan những nhóm quyền lực khác trong xã hội. Điều này
quả thật là một trong những lý do xảy ra sự chống đối tập trung hóa nhà
nước như ta đã thấy trong chương 3. Tuy nhiên, khi chống lại áp lực này,
việc tập trung hóa các thể chế nhà nước cũng có thể huy động nhu cầu về
một hình thức phôi thai của chủ nghĩa đa nguyên, như ở nước Anh dưới
triều đại Tudor. Khi giới quý tộc và giới quyền thế địa phương nhận thấy
rằng quyền lực chính trị đang ngày càng tập trung hơn và khó có thể ngăn
chặn, họ đòi hỏi mình phải có tiếng nói về cách thức sử dụng quyền lực tập
trung này. Ở nước Anh vào cuối thế kỷ 15 và thế kỷ 16, điều đó có nghĩa là
nhóm này sẽ nỗ lực nhiều hơn để biến Quốc hội trở thành một lực lượng
đối trọng với triều đình và kiểm soát một phần cách thức vận hành nhà
nước. Vì thế, dự án Tudor không chỉ khơi mào cho quá trình tập trung hóa
chính trị, một trụ cột của các thể chế dung hợp, mà còn gián tiếp góp phần
vào chủ nghĩa đa nguyên, một trụ cột khác của các thể chế dung hợp.
Các diễn biến phát triển thể chế chính trị này diễn ra trong bối cảnh
những thay đổi lớn khác về bản chất xã hội. Đặc biệt đáng kể là sự mở rộng
xung đột chính trị, bao trùm những nhóm người có khả năng đưa ra các yêu
sách đối với nhà vua và giới quyền thế chính trị. Cuộc Khởi nghĩa nông dân
năm 1381 là yếu tố then chốt, sau đó giới quyền thế Anh bị rung chuyển
bởi một loạt các cuộc khởi nghĩa quần chúng. Quyền lực chính trị đang
được tái phân phối, không chỉ đơn thuần từ nhà vua đến các lãnh chúa, mà
còn từ giới quyền thế đến nhân dân. Những thay đổi này, cùng với sự hạn
chế ngày càng tăng đối với quyền lực của nhà vua, giúp cho sự ra đời của
một liên minh rộng lớn chống lại chủ nghĩa chuyên chế trở nên khả thi và
qua đó đặt nền móng cho các thể chế chính trị đa nguyên.