và độc quyền hóa thương mại, mà còn bán cả chức tước, làm cho chúng trở
thành cha truyền con nối, bán khoán hoạt động thu thuế, và thậm chí bán cả
quyền miễn áp dụng công lý.
Ta có thể dự đoán được hậu quả của các thể chế chính trị và kinh tế
chiếm đoạt này ở Tây Ban Nha. Suốt thế kỷ 17, trong khi nước Anh đạt
được tăng trưởng thương mại và công nghiệp hóa nhanh chóng thì Tây Ban
Nha quay cuồng trong tình trạng sa sút kinh tế lan rộng. Vào đầu thế kỷ, cứ
năm người thì có một người sống ở các vùng đô thị. Đến cuối thế kỷ, con
số này giảm phân nửa, chỉ còn 1/10, trong một quá trình tương ứng với sự
bần cùng hóa ngày càng tăng của người dân Tây Ban Nha. Thu nhập của
Tây Ban Nha giảm dần trong khi nước Anh trở nên giàu có.
Việc chủ nghĩa chuyên chế tồn tại dai dẳng và được củng cố ở Tây
Ban Nha trong khi lại bị nhổ bật rễ ở Anh cũng là một ví dụ khác về những
khác biệt nhỏ nhặt có ý nghĩa vào những thời điểm quyết định. Sự khác biệt
nhỏ nhặt ở đây là sức mạnh và bản chất của các thể chế đại diện; còn thời
điểm quyết định là khi khám phá ra châu Mỹ. Sự tương tác của hai yếu tố
này đã đẩy Tây Ban Nha vào một lộ trình thể chế rất khác so với nước Anh.
Các thể chế kinh tế tương đối dung hợp đạt được ở Anh đã tạo ra sự năng
động kinh tế chưa từng thấy, đạt đỉnh cao vào cuộc Cách mạng công
nghiệp, trong khi công nghiệp hóa không có nổi một cơ hội nào ở Tây Ban
Nha. Cho đến lúc các kỹ thuật công nghiệp đang lan truyền ở nhiều nơi trên
thế giới, nền kinh tế Tây Ban Nha đã sa sút đến mức nhà vua hay giới
quyền thế sở hữu đất đai ở Tây Ban Nha thậm chí cũng không có nhu cầu
ngăn chặn công nghiệp hóa nữa.
NỖI LO SỢ VỀ CÔNG NGHIỆP
Nếu như không có sự thay đổi thể chế chính trị và thay đổi quyền lực
chính trị tương tự như đã từng xảy ra ở Anh sau năm 1688, thì gần như
không có cơ hội gì để các nhà nước chuyên chế hưởng lợi từ sự phát minh