Có thể thấy rằng, thái độ của Kankrin được định hình bởi nỗi lo sợ
rằng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi chính trị, và thái độ của Nga
hoàng Nicholas cũng thế. Việc đảm đương quyền lực của Nicholas suýt nữa
đã sớm chấm dứt vào tháng 12/1825 bởi một cuộc đảo chính của các sĩ
quan quân đội; họ đã có một chương trình thay đổi xã hội triệt để. Nicholas
viết cho Đại công tước Mikhail: “Cách mạng đang ở ngưỡng cửa của nước
Nga, nhưng ta thề rằng nó sẽ không thâm nhập đất nước này khi nào ta còn
hơi thở”.
Nicholas sợ những thay đổi xã hội mà việc xây dựng một nền kinh tế
hiện đại có thể mang lại. Như ông từng bộc lộ qua một bài diễn văn trong
cuộc họp của các nhà sản xuất tại một cuộc triển lãm công nghiệp ở
Moscow:
Cả nhà nước và các nhà sản xuất đều phải chú ý đến một vấn đề, bằng
không thì chính các nhà máy sẽ trở thành họa chứ không phải phúc; đó là
việc quan tâm đến những người lao động hiện đang gia tăng về số lượng
hàng năm. Cần có sự giám sát năng động và gia trưởng đối với đạo đức của
họ; nếu không dân chúng sẽ dần dần trở nên đồi bại và trở thành một tầng
lớp bất hạnh vì họ gây nguy hiểm cho chủ nhân của họ.
Cũng như Francis I, Nicholas sợ rằng sự phá hủy sáng tạo hình thành
từ một nền kinh tế công nghiệp hiện đại sẽ xói mòn hiện trạng chính trị ở
nước Nga. Với sự hối thúc của Nicholas, Kankrin thực hiện các biện pháp
cụ thể để làm chậm tiềm năng công nghiệp. Ông cấm một số cuộc triển lãm
công nghiệp mà trước đây vẫn được tổ chức định kỳ để trưng bày các công
nghệ mới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ.
Năm 1848, châu Âu rung chuyển bởi hàng loạt các cuộc cách mạng
bùng nổ. Đáp lại, thống soái quân đội Moscow A.A Zakrevskii, người phụ
trách duy trì trật tự công cộng, viết thư cho Nicholas: “Để bảo toàn sự
thanh bình và thịnh vượng mà vào lúc này chỉ có nước Nga được tận
hưởng, chính phủ không nên cho phép tụ tập những người vô gia cư và