những kẻ chơi bời phóng đãng; họ sẽ dễ dàng tham gia mọi phong trào, phá
hủy nền hòa bình xã hội và sự bình yên cá nhân”. Lời khuyên của ông được
truyền đến các bộ trưởng của Nicholas và vào năm 1849, một đạo luật mới
được ban hành, áp đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với số lượng nhà máy có
thể được thành lập bất kỳ ở vùng nào của Moscow. Luật đặc biệt cấm khai
trương nhà máy xe sợi len và bông cũng như các xưởng đúc sắt mới. Các
ngành khác như dệt và nhuộm phải kiến nghị với thống soái quân đội nếu
muốn mở nhà máy mới. Cuối cùng, hoạt động xe sợi bông chính thức bị
cấm. Mục đích của luật là nhằm ngăn chặn sự tập trung hơn nữa những
người lao động có tiềm năng nổi loạn trong thành phố.
Việc chống đối đường sắt cũng đi kèm với chống đối công nghiệp,
cũng hệt như ở Áo-Hung. Trước năm 1842, chỉ có một tuyến đường sắt ở
Nga. Đó là đường sắt Tsarskoe Selo dài 17 dặm từ Saint Peterburg đến khu
dinh thự hoàng tộc ở Tsarskoe Selo và Pavlovsk. Cũng giống như sự phản
đối công nghiệp, Kankrin nhận thấy chẳng có lý do gì để thúc đẩy đường
sắt, mà ông lập luận rằng sẽ tạo ra sự lưu thông nguy hiểm về mặt xã hội:
“Đường sắt không phải là kết quả của sự cần thiết tự nhiên, mà là sản phẩm
của một nhu cầu giả tạo hay thói xa hoa. Nó khuyến khích sự đi lại không
cần thiết từ nơi này đến nơi khác, hết sức điển hình trong thời đại của
chúng ta”.
Kankrin bác bỏ vô số đơn xin xây dựng đường sắt, và mãi đến năm
1851 mới có một tuyến đường được xây dựng nối liền Moscow với Saint
Peterburg. Chủ trương của Kankrin được kế tục bởi bá tước Kleinmichel,
người đứng đầu cơ quan nhà nước phụ trách giao thông và xây dựng công
cộng. Thể chế này trở thành trọng tài chính trong phán quyết về việc xây
dựng đường sắt, và Kleinmichel sử dụng nó làm nền tảng để không khuyến
khích việc xây dựng. Sau năm 1849, thậm chí ông còn sử dụng quyền lực
để kiểm duyệt thảo luận của báo chí về việc phát triển đường sắt.