Cũng giống như sự xuất hiện của thương mại hợp pháp, việc các
cường quốc châu Âu chính thức chia nhau xâm chiếm và thuộc địa hóa
châu Phi cũng không hủy bỏ được chế độ nô lệ ở châu Phi. Mặc dù trong
hầu hết các trường hợp, các cường quốc châu Âu đã biện minh cho sự xâm
lăng của họ ở châu Phi là nhằm tấn công và bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng thực
tế thì lại hoàn toàn khác. Ở tại nhiều nước thuộc địa châu Phi, chế độ nô lệ
tiếp tục kéo dài đến tận thế kỷ 20. Ví dụ như ở Sierra Leone, mãi đến năm
1928 chế độ nô lệ mới được bãi bỏ, cho dù thủ phủ Freetown được thành
lập vào cuối thế kỷ 18 với mục đích là bến đỗ cho những nô lệ được gửi trả
về châu Phi từ châu Mỹ. Freetown sau đó trở thành căn cứ quan trọng cho
hạm đội tàu Anh chống buôn nô lệ và là quê hương mới cho những nô lệ
được tàu Anh cứu thoát từ những tàu buôn nô lệ. Ngay cả với ý nghĩa biểu
tượng này cũng không giúp xóa bỏ chế độ nô lệ ở Sierra Leone sớm hơn
được, nó tồn tại thêm 130 năm nữa. Tương tự như vậy, Liberia nằm về phía
nam của Sierra Leone cũng được thành lập để đón nhận các nô lệ Mỹ được
giải phóng trong những năm 1840. Nhưng ở đó chế độ nô lệ cũng tiếp tục
kéo dài đến tận thế kỷ 20; cho đến tận thập niên 1960, ước tính vẫn có đến
25% lực lượng lao động bị cưỡng bức phải sống và làm việc trong những
điều kiện không khác gì nô lệ. Với những thể chế kinh tế và chính trị mang
tính chiếm đoạt dựa vào việc buôn bán nô lệ, làn sóng công nghiệp hóa đã
không lan sang châu Phi hạ Sahara, nơi đây nền kinh tế trì trệ và thậm chí
thụt lùi trong khi những khu vực khác trên thế giới đang thay đổi nền kinh
tế của họ.
TẠO DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỐI NGẪU
Mô hình nền “kinh tế đối ngẫu” hay “nền kinh tế hai khu vực” (dual
economy), lần đầu tiên được Arthur Lewis đưa ra vào năm 1955, vẫn còn
ảnh hưởng quan điểm của hầu hết các nhà khoa học xã hội về các vấn đề
kinh tế của các quốc gia kém phát triển. Theo Lewis, nhiều nền kinh tế kém
phát triển hay chậm phát triển có cấu trúc đối ngẫu, được chia thành khu
vực kinh tế hiện đại và khu vực kinh tế truyền thống. Khu vực hiện đại, tức