cứ ở vịnh Table, giờ là cảng Cape Town, vào năm 1652. Vào lúc bấy giờ,
vùng đất phía tây của Nam Phi rất hoang vắng và ít dân cư, hầu hết những
người sống ở đây là những người săn bắn hái lượm gọi là người Khoikhoi.
Xa hơn về phía đông, ở vùng đất là Ciskei và Transkei ngày nay, có những
cộng đồng dân cư châu Phi đông đúc chuyên sống bằng nghề nông. Ban
đầu họ không giao tiếp gì nhiều với vùng thuộc địa mới của Hà Lan, và
cũng không tham gia vào việc buôn bán nô lệ. Vùng ven biển Nam Phi nằm
cách xa các chợ nô lệ và cư dân của Ciskei và Transkei, gọi là người
Xhosa, nằm đủ sâu trong đất liền để tránh thu hút sự chú ý của bất kỳ ai.
Kết quả là, những xã hội này không phải hứng chịu những cơn sóng độc hại
đổ ập vào Tây và Trung Phi.
Vào thế kỷ 19, sự cô lập của hai vùng đất này bắt đầu thay đổi. Người
châu Âu cảm thấy khí hậu và môi trường sức khỏe của Nam Phi có điều gì
đó quyến rũ. Chẳng hạn, không giống như Tây Phi, Nam Phi có khí hậu ôn
hòa và không có những chứng bệnh nhiệt đới như sốt rét và sốt vàng da, hai
căn bệnh đã biến những vùng đất khác ở châu Phi thành “nơi chôn thây của
người da trắng” và ngăn không cho họ lập cư hoặc thậm chí thiết lập trạm
tiền đồn. Nam Phi hứa hẹn nhiều triển vọng thuận lợi hơn cho sự định cư
của người châu Âu. Người châu Âu bắt đầu tiến sâu vào bên trong vùng đất
nội địa châu Phi ngay sau khi người Anh tiếp quản Cape Town từ người Hà
Lan trong thời gian cuộc chiến Napoleon nổ ra ở châu Âu. Điều này dẫn
đến một chuỗi những cuộc chiến kéo dài với người Xhosa khi người da
trắng định cư mỗi lúc càng nhiều hơn trong vùng đất nội địa và đỉnh điểm
của sự xâm lấn này là vào năm 1835, khi những người người châu Âu gốc
Hà Lan còn sót lại ở châu Phi, về sau được gọi là người Nam Phi gốc Âu
hay người Boer, bắt đầu cuộc di dân hàng loạt của họ (được gọi là Cuộc Di
cư Vĩ đại) ra khỏi vùng ven biển nằm trong sự kiểm soát của người Anh và
vùng Cape Town. Những người Nam Phi gốc Âu này tiếp sau đó đã thành
lập hai quốc gia độc lập trong vùng nội địa châu Phi, là Orange Free State
và Transvaal.