Giai đoạn kế tiếp trong quá trình phát triển của Nam Phi xảy ra cùng
với sự phát hiện những trữ lượng kim cương khổng lồ ở Kimberly vào năm
1867 và những mỏ vàng ở Johannesburg vào năm 1886. Sự giàu có về
khoáng sản trong vùng đất nội địa của châu Phi ngay lập tức thuyết phục
người Anh mở rộng sự kiểm soát của họ ra khắp Nam Phi. Sự chống cự của
Orange Free State và Transvaal đưa đến Cuộc chiến Boer nổi tiếng trong
thời kỳ 1880-1881 và 1899-1902. Sau sự thất bại bất ngờ lúc ban đầu, cuối
cùng người Anh cũng sáp nhập các quốc gia của người Nam Phi gốc Âu
với Cape Province và Natal, để thành lập Liên hiệp Nam Phi vào năm
1910. Ngoài xung đột vũ trang giữa người Nam Phi gốc Âu và người Anh,
sự phát triển ngành khai thác khoáng sản và việc mở rộng khu định cư của
người châu Âu còn có những ảnh hưởng khác đối với sự phát triển của khu
vực. Đáng chú ý nhất là chúng tạo ra nhu cầu thực phẩm và sản phẩm nông
nghiệp khác và những cơ hội kinh tế mới cho người châu Phi bản địa cả
trong lĩnh vực nông nghiệp lẫn thương mại.
Người Xhosa, ở Ciskei và Transkei, nhanh chóng đáp ứng những cơ
hội kinh tế này, như nghiên cứu của sử gia Colin Bundy cho thấy. Vào năm
1832, thậm chí trước khi có sự bùng nổ khai thác khoáng sản, một nhà
truyền giáo người Moravia ở Transkei đã nhận thấy sự năng động kinh tế
mới trên những vùng đất này và ghi nhận rằng người châu Phi bắt đầu có
nhu cầu mua những món hàng tiêu dùng mới do làn sóng người châu Âu di
cư giới thiệu cho họ. Ông viết: “Để có được những món đồ này, họ… kiếm
tiền bằng công sức lao động tay chân và mua quần áo, xẻng, cày, xe bò kéo
và những vật dụng hữu ích khác”.
Những gì Ủy viên dân sự John Hemming mô tả về chuyến viếng thăm
của ông đến Fingoland ở Ciskei vào năm 1876 cũng cung cấp cho ta nhiều
thông tin rất hữu ích. Ông viết rằng ông “bất ngờ trước sự tiến bộ vượt bậc
của người dân Fingo chỉ trong vòng một vài năm… Bất cứ nơi nào tôi đi
cũng đều thấy những ngôi nhà gỗ lớn và cả những ngôi nhà xây bằng gạch
hay đá. Trong nhiều trường hợp, một số nhà gạch đồ sộ đã được xây