dựng… và cây ăn trái đã được trồng; bất cứ nơi nào người ta có thể lấy
nước khỏi mặt đất để phục vụ cho việc tưới tiêu thì đất canh tác được mở
rộng đến đấy; đất sườn đồi và thậm chí đỉnh núi cũng được canh tác ở bất
cứ nơi nào cho phép dùng cái cày. Quy mô đất được khai thác làm tôi rất
ngạc nhiên; đã bao nhiêu năm rồi tôi chưa từng thấy một diện tích đất canh
tác lớn đến như vậy”.
Cũng giống như ở những khu vực khác ở châu Phi hạ Sahara, việc sử
dụng cày là hoàn toàn mới trong nông nghiệp, nhưng khi có cơ hội, người
nông dân châu Phi dường như rất sẵn sàng áp dụng công nghệ mới. Họ
cũng sẵn sàng đầu tư cho xe bò và các công trình tưới tiêu.
Khi kinh tế nông nghiệp phát triển, các thể chế bộ lạc cứng nhắc bắt
đầu thay đổi. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy những thay đổi về quyền sở
hữu đất đai bắt đầu xuất hiện. Vào năm 1879, vị quan tòa ở Umzimkulu
thuộc Đông Griqualand, Transkei, nhận thấy “người dân địa phương ngày
càng mong muốn trở thành chủ sở hữu đất - họ đã mua 38 nghìn mẫu Anh”.
Ba năm sau, sổ sách của ông cho thấy khoảng 8 nghìn nông dân châu Phi
trong vùng đã mua và bắt đầu khai thác 90 nghìn mẫu Anh.
Dĩ nhiên điều này không có nghĩa châu Phi đang đứng trước ngưỡng
cửa của một cuộc Cách mạng công nghiệp, nhưng những thay đổi thật sự
đang diễn ra. Sở hữu tư nhân về đất đai đã làm lung lay vị trí của các tù
trưởng và cho phép có nhiều người khác được mua đất và làm giàu, một
điều dường như là không tưởng chỉ vài thập niên trước. Đồng thời nó cũng
minh họa cho thấy sự suy yếu của các thể chế chiếm đoạt và các hệ thống
quyền lực chuyên chế có thể nhanh chóng tạo ra những động lực kinh tế
mới. Một trong những ví dụ về sự thành công là Stephen Sonjica ở Ciskei,
một nông dân từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Trong một lần phát
biểu vào năm 1911, Sonjica kể lại lần đầu tiên khi ông bày tỏ nguyện vọng
muốn mua đất của mình cho cha nghe, cha ông đã đáp lại rằng: “Mua đất?
Làm cách nào con lại muốn mua đất? Con không biết rằng tất cả đất đai