đạo luật khác, lương của nhân công hầm mỏ giảm 30% trong giai đoạn từ
1911 đến 1921. Vào năm 1961, mặc dù kinh tế Nam Phi có sự tăng trưởng
tương đối đều đặn, mức lương của công nhân hầm mỏ vẫn thấp hơn 12% so
với năm 1911.
Nhưng ngay cả trong những tình huống như thế này, chẳng lẽ người
châu Phi không thể tiến thân trong nền kinh tế châu Âu hiện đại, mở một cơ
sở kinh doanh, hay theo đuổi học vấn và bắt đầu một sự nghiệp? Chính phủ
có những biện pháp để đảm bảo những chuyện này không thể xảy ra.
Không một người dân châu Phi nào được phép sở hữu tài sản hay thành lập
kinh doanh trong khu vực kinh tế châu Âu - vốn chiếm 87% diện tích đất
đai. Chế độ phân biệt chủng tộc cũng nhận ra rằng người châu Phi có giáo
dục sẽ cạnh tranh với người da trắng thay vì cung cấp sức lao động rẻ tiền
cho các hầm mỏ và các trang trại nông nghiệp do người da trắng làm chủ.
Ngay từ năm 1904 một hệ thống bảo vệ việc làm cho người châu Âu đã
được áp dụng trong ngành khai thác mỏ. Không một người châu Phi nào
được phép làm công việc pha trộn hóa chất, xét nghiệm kim loại, cai mỏ,
thợ rèn, thợ đốt lò, thợ đánh bóng đồng thau, thợ nề… danh sách này tiếp
tục kéo dài không dứt cho đến tận nghề thợ chế biến gỗ. Chỉ bằng một
quyết định của chính phủ, người châu Phi đã bị cấm không được làm những
công việc có kỹ năng trong ngành khai thác mỏ. Đây là sự hiện diện đầu
tiên của sự “phân biệt màu da”, một trong những phát minh kỳ thị chủng
tộc của chế độ Nam Phi. Sự phân biệt màu da được nhân rộng trên toàn bộ
nền kinh tế vào năm 1926, và kéo dài mãi đến tận thập niên 1980. Không
có gì đáng ngạc nhiên khi người châu Phi da đen không có học; chính phủ
Nam Phi không những loại bỏ khả năng người châu Phi có thể hưởng
những lợi ích kinh tế nhờ giáo dục mà còn từ chối đầu tư vào trường học
cho người da đen và cản trở việc giáo dục cho họ. Chính sách này lên đến
đỉnh điểm vào thập niên 1950, khi dưới sự lãnh đạo của Hendrik Verwoerd,
một trong những kiến trúc sư của chế độ kỳ thị chủng tộc kéo dài đến tận
năm 1994, chính phủ Nam Phi đã thông qua Đạo luật Giáo dục Bantu. Tư