VÌ SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI: NGUỒN GỐC CỦA QUYỀN LỰC, THỊNH VƯỢNG VÀ NGHÈO ĐÓI - Trang 537

xã hội đối với cùng một sự can thiệp chính sách cũng phụ thuộc vào các thể
chế đang tồn tại. Đương nhiên, lý thuyết của chúng tôi tập trung vào biện
pháp cần thiết để một quốc gia có thể đạt được sự thịnh vượng: chuyển đổi
từ các thể chế chiếm đoạt sang các thể chế dung hợp. Tuy nhiên, ta cũng
thấy rõ ràng ngay từ đầu là không có một công thức dễ dàng cho sự chuyển
đổi ấy. Trước hết, hiện tượng “vòng xoáy đi xuống” ngụ ý rằng thay đổi thể
chế là một việc hết sức khó khăn. Nói cụ thể hơn, các thể chế chiếm đoạt có
thể tái sinh dưới nhiều chiêu bài khác nhau, như chúng ta đã thấy với quy
luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ trong chương 12. Việc lật đổ thể chế
chiếm đoạt của tổng thống Mubarak vào tháng 2/2011 không giúp đảm bảo
rằng Ai Cập sẽ bước vào con đường tiến tới các thể chế dung hợp. Thay vì
thế, các thể chế chiếm đoạt biết đâu cũng có thể tái sinh bất chấp những
phong trào dân chủ mạnh mẽ và tràn trề hy vọng. Kế đến, tính ngẫu nhiên
hay sự tình cờ của lịch sử khiến ta không thể biết được liệu sự tương tác cụ
thể giữa những khác biệt thể chế hiện có với những thời điểm quyết định sẽ
dẫn đến những thể chế chiếm đoạt hơn hay dung hợp hơn, vì thế sẽ là mạo
muội khi đưa ra những kiến nghị chính sách tổng quát để khuyến khích
thay đổi hướng tới các thể chế dung hợp. Tuy vậy, lý thuyết của chúng tôi
vẫn hữu ích trong việc phân tích chính sách, vì nó giúp nhận ra những
quyết định chính sách sai lầm bắt nguồn từ các giả thuyết sai lạc hoặc từ
nhận thức bất cập về cách thức diễn ra sự thay đổi thể chế. Trong vấn đề
này, cũng như trong hầu hết mọi vấn đề, việc tránh phạm phải những sai
lầm nghiêm trọng nhất cũng không kém phần quan trọng, thậm chí còn
thực tế hơn, so với nỗ lực tìm ra giải pháp đơn giản. Có lẽ điều này sẽ thể
hiện rõ ràng nhất khi ta xem xét những kiến nghị chính sách hiện tại
khuyến khích sự “tăng trưởng độc đoán” dựa vào kinh nghiệm tăng trưởng
thành công của Trung Quốc trong vài thập niên trở lại đây. Chúng tôi cũng
sẽ giải thích tại sao các kiến nghị chính sách này đang gây lầm đường lạc
lối và tại sao sự tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là một hình thức khác của
sự tăng trưởng trong các thể chế chính trị chiếm đoạt vốn không thể chuyển
hóa thành sự phát triển kinh tế bền vững.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.