Chỉ cần nghĩ về Nogales là đủ. Điều ngăn cách hai khu vực không phải khí
hậu, địa lý, môi trường dịch bệnh, mà chính là biên giới giữa Mỹ và
Mexico.
Nếu giả thuyết địa lý không thể giải thích sự khác biệt giữa phía bắc
và nam của Nogales, hoặc giữa Bắc và Nam Triều Tiên, hoặc giữa Đông và
Tây Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ, thì liệu nó có thể là một lý
thuyết hữu ích để giải thích sự khác biệt giữa Bắc và Nam Mỹ, giữa châu
Âu và châu Phi hay không? Câu trả lời đơn giản là không.
Lịch sử minh chứng rằng không có mối liên hệ giản đơn và lâu dài
giữa khí hậu hay địa lý với sự thành công kinh tế. Chẳng hạn như không
phải bao giờ vùng nhiệt đới cũng nghèo hơn vùng ôn đới. Như chúng ta đã
thấy trong chương trước, tại thời điểm Columbus phát hiện châu Mỹ, khu
vực phía nam của vùng nhiệt đới cận chí tuyến bắc và phía bắc của vùng
nhiệt đới cận chí tuyến nam, mà ngày nay bao gồm Mexico, Trung Mỹ,
Peru và Bolivia, đã sản sinh ra các nền văn minh vĩ đại Aztec và Inca.
Những đế chế phức tạp và tập trung về mặt chính trị này đã xây dựng
đường giao thông và thực hiện cứu trợ nạn đói. Người Aztec đã phát minh
ra cả tiền tệ và chữ viết, và người Inca, mặc dù thiếu cả hai công nghệ chủ
chốt này, đã ghi lại một lượng lớn thông tin bằng cách thắt nút dây thừng.
Ngược lại, vào cùng thời đại với người Aztec và Inca, ở phía bắc và phía
nam khu vực sinh sống của người Aztec và Inca, mà ngày nay bao gồm
Hoa Kỳ, Canada, Argentina, Chile, chủ yếu là nơi sinh sống của nền văn
minh thời kỳ đồ đá, không có tiền tệ mà cũng chẳng có chữ viết. Do đó,
việc vùng nhiệt đới ở châu Mỹ đã từng giàu có hơn nhiều so với vùng ôn
đới đã cho thấy “thực tế hiển nhiên” về sự nghèo đói của vùng nhiệt đới
theo giả thuyết địa lý không chỉ thiếu “thực tế” mà còn không hề “hiển
nhiên”. Thay vào đó, sự giàu có ngày nay ở Hoa Kỳ và Canada là những ví
dụ của sự “đảo chiều ngoạn mục” nếu so với trạng thái của những nước này
trước khi người Âu châu tới.