VÌ SAO CÁC QUỐC GIA THẤT BẠI: NGUỒN GỐC CỦA QUYỀN LỰC, THỊNH VƯỢNG VÀ NGHÈO ĐÓI - Trang 80

Phần cuối cùng trong giả thuyết địa lý là vùng nhiệt đới nghèo bởi vì

nông nghiệp nhiệt đới về bản chất không hiệu quả. Đất đai nhiệt đới mỏng,
không thể giữ dưỡng chất, và nhanh chóng bị những cơn mưa nhiệt đới xối
xả làm xói mòn. Chắc chắn là có một phần sự thật trong lập luận này,
nhưng như chúng ta sẽ thấy, yếu tố có tính quyết định giải thích tại sao
nhiều nước nghèo có năng suất nông nghiệp thấp, đặc biệt ở vùng hạ
Sahara của châu Phi, không phải là chất lượng đất. Đúng hơn, năng suất
nông nghiệp thấp là một hệ quả của cấu trúc quyền sở hữu đất và các
khuyến khích mà chính phủ và các thể chế tạo ra cho nông dân. Chúng tôi
cũng sẽ cho thấy sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới không thể được giải
thích bởi sự khác biệt trong năng suất nông nghiệp. Sự cách biệt giàu nghèo
to lớn trong thế giới hiện đại nổi lên vào thế kỷ 19 là do sự chênh lệch về
công nghệ và công nghiệp chế tạo chứ không phải do sự khác biệt trong
hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Một phiên bản có ảnh hưởng khác của giả thuyết địa lý là của nhà sinh

thái học và sinh vật học tiến hóa Jared Diamond. Ông lập luận rằng nguồn
gốc của sự chênh lệch giàu nghèo giữa các lục địa bắt đầu từ thời cận đại,
cách đây 500 năm, nằm ở sự khác nhau trong kho tàng các loài động thực
vật, và điều này ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp. Ở một số nơi,
chẳng hạn như Fertile Crescent ở Trung Đông, có một số lượng lớn các loài
có thể được con người thuần hóa. Ở các nơi khác, chẳng hạn như châu Mỹ,
những loài này không tồn tại. Việc có nhiều loài có khả năng được thuần
hóa đã làm cho các xã hội dễ dàng chuyển từ săn bắn hái lượm sang đời
sống nông nghiệp. Kết quả là, nông nghiệp ở Fertile Crescent phát triển
sớm hơn so với châu Mỹ. Mật độ dân số tăng lên cho phép chuyên môn hóa
lao động, thương mại, đô thị hóa và phát triển chính trị. Điều quan trọng là,
ở những nơi mà nông nghiệp chiếm ưu thế, đổi mới công nghệ đã diễn ra
nhanh hơn rất nhiều so với các phần khác của thế giới. Như vậy, theo
Diamond, sự khác biệt trong kho tàng các loài động thực vật đã tạo ra sự
khác biệt trong cường độ của hoạt động nông nghiệp, dẫn đến con đường
thay đổi công nghệ và thịnh vượng khác nhau giữa các châu lục.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.