của đại ca chỉ cảm thấy chán ghét mà không sợ hãi, không có ý muốn tự hối
cải. Kể từ đó, chỉ làm Thôi Minh Đường tức đến nghiến răng nghiến lợi.
Còn nhị thiếu gia Thôi gia Thôi Minh Dao kế thừa thương nghiệp của
gia tộc, quanh năm buôn bán ngoài kinh, khó có được một lần quay về kinh
thành, lại nói huynh trưởng như cha, hành vi hay cách cư xử của Thôi Minh
Húc đều do y dạy dỗ: “Tháng tám sẽ đến ngày thi, đệ định làm sao?”
Mắt thấy kì thi Hương tháng tám đã gần kề nhưng Thôi Minh Húc
ngày ngày vẫn chơi bời lêu lổng bên ngoài, không có chút vẻ chăm chỉ,
Thôi Minh Đường ở ngoài thì lo lắng nhưng trong bụng đã sinh phẫn nộ.
“Dù sao sẽ không làm mất mặt Thôi gia.” – Thôi Minh Húc nói. Thấy
sắc mặt y đột nhiên trầm xuống, vội vàng đứng dậy muốn bỏ chạy: “Đệ ra
đằng sau thăm đại tẩu.”
Dứt lời, không đợi Thôi Minh Đường gật đầu, từ chính đường đã chạy
ra hậu viện.
Đầu tiết xuân, bên nguyệt động môn, hai gốc phong đã cởi bỏ lớp áo
đỏ, trên phiến lá xanh non còn một vòng đỏ tươi lưu luyến không muốn rời.
Phần lớn hoa trong vườn đã trổ nụ, điểm xuyết thêm chùm năm chùm ba
khóm lá xanh. Những đóa hoa đón xuân nở rộ sảng khoái hai bên đường,
tôn lên ánh nắng ấm áp, trải ra một màu vàng tươi trên mặt đất, khiến người
ta không nhìn cũng khó.
Thôi Minh Húc thấy đại tẩu Liễu thị và nhị tẩu Trần thị đang ngồi bên
bàn đá nói chuyện, nhi tử mới sinh của Trần thị cũng được bế ra, hai người
chọc cho đứa bé cười khanh khách. Đi đến ôm lấy tiểu chất tử trong tay
Trần thị, nhéo nhéo khuôn mặt nhỏ nhắn tròn vo của nó: “Nhìn này, mấy
ngày không gặp, có nhận ra thúc thúc không?”
Đứa bé chỉ chớp mắt nhìn hắn, ngoác miệng, khóc oa oa.