Thôi Minh Húc xé thì tiếc, không xé thì tức không chịu được, ngón tay
siết lại kêu rắc rắc, hướng về nghiên mực trên bàn mà âm thầm thề, đừng
để hắn biết là ai đứng sau xúi giục, nếu không về sau nhất định sẽ buộc đá
lên gã ta ném vào sông tế Thần Sông!
Khi đặt bút viết thư trả lời vẫn là khẩu khí điềm nhiên như không. Lăn
lộn bên ngoài non nửa năm, bản lĩnh hỉ nộ không biểu hiện đã học được
đáng kể. Tiếp tục phiếm chuyện cùng Tề Gia:
Cức Châu phạm phải số hạn hán, mỗi năm đều phải lập đàn tế ở bờ
sông ngoài thành cúng Thần Sông cầu mưa. Đây là truyền thống tổ tiên để
lại, thành tâm cầu xin Thần Sông, Thần Sông sẽ ban cho thức ăn, đời đời
đều không dám làm trái. Vì vậy ngày tế thần hằng năm hết sức náo nhiệt.
Những ông đồng bà đồng ở tám làng trong vòng mười dặm đều phải tới, ăn
vận loè loẹt, cả người cứ kêu leng ca leng keng, trên mặt bên đây một cục
đen thùi bên kia một miếng đỏ lét, vượt hơn cả vị Xuân Phong ma ma ở
kinh thành. Bọn họ ngươi nhảy cầu hồn ta mời địa tiên, ma quỷ múa may
thần phật nhảy nhót, xung quanh vây đầy một vòng người coi chuyện lạ,
trong đám đông thi thoảng có đôi ba kẻ bán quà vặt hạt dưa chui ra chui
vào, tưng bừng như trẩy hội.
Chờ tiếng kẻng ba khắc báo giờ lành vang lên, bốn bề bỗng chốc trở
nên tĩnh lặng yên ắng như ngưng đọng, biển người đông nghịt bên bờ sông
đồng loạt quỳ rạp trên đất. Gió xua ngọn lửa đèn cầy lung lay, những tờ tiền
giấy trắng phau rơi như tuyết. Thầy tế áo đen tóc tai bù xù, khuôn mặt quỷ
quái, lẩm nhẩm niệm chú đem thịt thà rau quả bốn mùa ném vào sông, tiếp
đó có một thầy tế cũng quần áo đen ôm hai đứa bé mặc áo đỏ quần xanh,
một nam một nữ, độ chừng năm sáu tuổi, chúng sợ đến mặt mũi trắng bệch,
muốn khóc cũng không khóc được. Thầy tế giơ bảo kiếm chỉ thẳng bầu trời
xám xanh, phía dưới không biết là cha mẹ của đứa bé nào khóc nấc lên,
tiếng khóc não lòng giữa tiếng cúng bái…