05
DƯƠNG HỒNG PHÚC
NGỦ TRÊN CỎ MAY
C
ha hay hát cho tôi nghe những ngày còn thơ thiếu nhỏ. Ừ, là cha, không
phải mẹ. Mỗi khi thả hồn mình lang thang trong miền hoài niệm, tôi phải
thừa nhận mình nhớ về mẹ nhiều hơn cha. Bóng hình của mẹ gắn liền với
nhiều thứ tuổi thơ tôi, như tiệm tạp hóa nho nhỏ trước sân, mùi cá ngừ kho
tiêu nồng đượm bữa cơm chiều, hay tiếng nhấn bàn đạp chiếc máy may
hiệu Singer mỗi khi đêm xuống. Tuy nhiên ký ức và tất cả những gì thuộc
về âm nhạc trong tôi lại đến từ cha.
Cha tôi tuổi Sửu, lại sinh vào giờ Dần, thoạt nhìn qua ai cũng đinh
ninh rằng ông khó tính. Nhưng trái ngược với vẻ ngoài đăm chiêu khắc
khổ, cha tôi vui tính, khó quen nhưng khi đã quen rồi thì lại rất dễ gần, mà
đã gần rồi thì sẽ chẳng bao giờ làm ai phải buồn lòng. Ông thích đi lại đây
đó và thích hát. Tôi nghe bà kể lại thuở tôi còn nằm nôi, cha là người chịu
khó bế bồng tôi nhất, nhiều hơn cả mẹ, mang tôi của tháng thứ năm đi
khám phá từng ngóc ngách trong nhà, đi xem từng khóm hoa mọc trong
vườn và đi “khoe” đến từng người, qua từng con hẻm nhỏ trong khu phố.
Đến khi tôi bắt đầu biết nhớ, tiếng hát của cha đi cùng tôi mỗi đêm
vào giấc ngủ, theo tôi trên chiếc xe máy hơn mười năm đi đi về về từ nhà
đến trường, hòa cùng tiếng đệm đàn guitar vang vọng khắp nhà vào những
buổi chiều Chủ nhật. Cha tôi ngồi trên ghế, chân bắt tréo, tựa lưng vào
khung cửa sắt dưới mái hiên nhà đang đón lấy bóng chiều hoàng hôn.
Những ngón tay trái phút chốc tạo thành một hình thù kỳ lạ cứ thế bấm
chặt, giữ lấy hợp âm trên cây đàn. Ngón tay phải dạo một lượt qua cả sáu