chuyện của một ai khác không phải mình, câu chuyện của hàng trăm hàng
nghìn ngọn cỏ nơi đây vẫn đang vươn mình đón sắc trời trong xanh buổi
đầu ngày. Một câu chuyện tình mềm mại…
Lúc về nhà, chúng tôi ghé vào một quán nước ven đường. Cha gọi cà
phê, tôi cũng đánh liều xin gọi cùng. Nhấp thử một ngụm thứ nước đen
đắng, tôi nhăn mặt lè lưỡi, hỏi cha:
– Bạn con bảo con gái với cha kiếp trước là hai người yêu nhau đấy.
– Ừ, cũng có thể – Cha đặt ly nước xuống bàn.
– Vậy còn con trai với cha, kiếp trước là gì ạ?
– Cái này cha cũng không biết rõ. Chắc là huynh đệ.
– Huynh đệ là gì ạ?
– Là bạn. Bạn thân. Luôn chơi cùng nhau. Không bao giờ bỏ rơi nhau.
– Vậy là kiếp trước cha với con kết nghĩa huynh đệ với nhau?
– Hẳn là vậy rồi! – Cha bật cười – Thôi “tiểu đệ” uống cho nhanh rồi
mình còn về nhà. Vợ của “huynh” đang chờ.
***
Tôi cứ thế bước qua tuổi thơ cùng những bài hát, những câu chuyện
khi vui, khi buồn cùng cha. Đôi lần nghĩ lại, tôi giật mình nhận ra những kỷ
niệm đáng nhớ nhất của cha con tôi lại thường xuất hiện bóng dáng của một
(vài) người phụ nữ. Một trong số đó có thể kể đến cô Tư cùng xóm.
Năm ấy tôi học lớp 8, nhà có thêm em gái chuẩn bị vào lớp Lá. Cô Tư
lúc ấy chắc chừng ba mươi đổ lại, độc thân. Cô là chủ gánh chè và sữa đậu
nành đầu hẻm, ngày nào cũng mở hàng từ giấc sáng, bán cho đến hết giờ
tan tầm. Cô nấu chè không tệ, nhất là món chè đậu trắng cha và tôi rất
thích. Tính cô tốt bụng, hay lấy chè thêm cho con nít trong xóm, lại còn
mang đến tận nhà. Cô cũng thích văn nghệ đàn hát nên mấy chiều Chủ nhật
đi giao chè trông thấy cha tôi trình diễn “liveshow nhạc buồn” trước hàng
hiên, cô hay đứng lại làm khán giả, nói chuyện ca nhạc với cha, có hôm
cũng phải hơn nửa tiếng đồng hồ. Vài lần như thế, mẹ tôi cau mặt, bữa cơm
hôm đó nồi canh bỗng dưng chua thấu trần ai. Cha tôi biết ý, sợ, chừa hẳn,
từ đấy hết dám mua chè cô Tư, cũng như dẹp luôn liên hoan ca nhạc “hát
với guitar” mỗi cuối tuần.