tâm tới việc phá án và làm sao cho báo cáo thống kê tốt hơn lên. Thế cho
nên người ta gọi Cục, rồi thì McCaleb sẽ nhập cuộc và phải tham gia điệu
nhảy với tay thám tử chính. Đôi khi đó là một điệu nhảy hài hòa suôn sẻ
giữa hai bên đối tác hợp ý nhau. Nhưng thường đó là điệu tango khó nhảy.
Người ta giẫm lên ngón chân nhau, những cái tôi bị bầm dập. Đã hơn một
lần McCaleb ngờ rằng một tay thám tử mà ông cộng tác đang giấu không
tiết lộ thông tin hoặc ngấm ngầm đắc ý khi McCaleb không giúp nhận diện
được nghi phạm hay phá được một vụ án. Đó là một phần của lối hành xử
nhỏ nhen theo kiểu cát cứ mỗi người một cõi trong giới hành pháp. Đôi khi
sự quan tâm đến nạn nhân hay gia đình nạn nhân thậm chí còn không được
họ coi là món chính. Nó chỉ là món tráng miệng. Và đôi khi cũng chẳng hề
có cả món tráng miệng nào.
McCaleb biết khá rõ rằng lần này ông đối mặt với một bản tango khó
nhảy với Cảnh sát Los Angeles. Ừ hình như họ đã kẹt cứng trong việc điều
tra vụ Gloria Torres và có thể cần ông giúp đỡ, nhưng điều đó cũng chẳng
có nghĩa lý gì. Cái chính là chuyện cát cứ. Đã vậy thậm chí ông không còn
làm ở FBI nữa. Ông sẽ vào đấy với người trơn, ngay cả huy hiệu cũng
không. Tất cả những gì ông có khi bước vào Cảnh sát Phân khu West Valley
vào lúc bảy rưỡi sáng thứ Ba chỉ là cái túi xách bằng da và một gói bánh
rán. Ông sẽ phải nhảy một bản tango khó nhảy mà không có nhạc.
McCaleb chọn tới vào giờ đó là vì ông biết hầu hết thám tử bắt đầu
làm việc sớm để có thể xong việc sớm. Đó là lúc ông có nhiều cơ hội nhất
để gặp được hai người đảm nhiệm vụ Gloria Torres ở cơ quan họ. Graciela
đã cho ông họ tên hai người này. Arrango và Walters. McCaleb không biết
hai người này, nhưng ông từng gặp viên sĩ quan chỉ huy họ là Trung úy Dan
Buskirk từ vài năm trước nhân vụ Sát thủ Mật mã. Nhưng đó là một mối
quan hệ hời hợt. McCaleb không biết Buskirk nghĩ gì về ông. Tuy nhiên,
ông quyết định rằng tốt nhất sẽ theo đúng quy tắc, đầu tiên là gặp Buskirk
đã, sau đó thì may ra sẽ gặp Arrango và Walters.