Vợ hắn, to lớn, khỏe mạnh, rắn rỏi, tiếng nói oang oang và ý định mau
lẹ, là người cầm cân nảy mực trong các cửa hiệu mà sự hoạt động vui vẻ
của hắn thúc đẩy cho thêm náo nhiệt.
Ngồi bên cạnh họ, trịnh trọng hơn, thuộc một giai cấp cao hơn, là ông
Carê Lamađông, một người tai mắt, có địa vị trong ngành kinh doanh bông,
chủ ba nhà máy dệt, đệ tử đảng Bắc đẩu bội tinh và có chân trong Hội đồng
hàng quận. Suốt thời kỳ Đế chính, ông ta vẫn là thủ lĩnh của phái đối lập ôn
hòa, chỉ cốt để được đền bù đắt giá hơn sau này khi ông ngã theo cái chính
thể mà ông đã đấu tranh chống lại bằng những vũ khí lịch sự theo lối nói
của chính ông. Bà Carê Lamađông, trẻ hơn chồng nhiều, vẫn còn là nguồn
an ủi của những sĩ quan con nhà dòng dõi về đồn trú ở Ruăng.
Bà ta ngồi đối diện với chồng, trông thật là bé nhỏ, thật là kháu khỉnh,
thật là xinh đẹp, co ro trong những bộ lông thú và chán ngán nhìn cái thùng
xe tồi tàn, thảm hại.
Ngồi bên cạnh bà, vợ chồng bá tước Huybeđơ Brêvin là những người
mang một trong những dòng họ kỳ cựu nhất và quý phái nhất xứ
Normăngđi. Vốn là nhà quý tộc già phong thể đường bệ, dáng người tự
nhiên giống vua Henry đệ tứ, bá tước lại cố ăn mặc thật khéo léo để mình
thêm giống nhà vua hơn, vì theo một truyền thuyết vẻ vang cho gia đình,
nhà vua, đã làm cho một phu nhân trong họ Brêvin có mang, khiến đức phu
quân vì thế mà được phong bá tước và làm tổng trân một tỉnh.
Đồng nghiệp với ông Carê Lamađông tại Hội đồng hàng quận, bá tước
Huybe đại diện cho phái bảo hoàng Orlêăng ở trong tỉnh. Chuyện ông kết
hôn với con gái một chủ tàu nhỏ ở Năng-tơ đến nay vẫn còn ví là điều khó
hiểu. Song vì bá tước phu nhân có phong cách đại gia, biết tiếp khách giỏi
hơn ai hết, lại có tiếng là đã được một hoàng tử của đức vua Luy-Philip yêu
dấu, cho nên tất cả giới quý tộc đều hoan nghênh bà, và phòng khách của
bà vẫn là đứng đầu trong xứ, nơi độc nhất còn giữ vẻ hào hoa phong nhã
cũ, và được lui tới đó không phải là chuyện dễ dàng.