Cornuyđê ngồi vào chỗ lò sưởi cao của nhà bếp, lửa cháy đỏ rực. Y đã
gọi mang tới đấy một chiếc bàn con của quán rượu với một chai bia, và y rít
tẩu thuốc, cái tẩu được các nhà dân chủ vì nể gần ngang với y, tựa hồ nó
phục vụ Cornuyđê là đã phục vụ tổ quốc vậy. Chiếc tẩu rất đẹp, bằng đá
bọt, cặn thuốc bám rất đều, cũng đen như răng của chủ nó, nhưng mà thơm,
uốn cong, bóng nhoáng, quen thuộc với bàn tay y, và bổ sung cho diện mạo
y. Y ngồi yên lặng, mắt đăm đăm khi nhìn lửa, khi thì nhìn cái vành bọt bia
trong chiếc cốc vại, và cứ mỗi lần uống xong, y lại lùa những ngón tay gầy
guộc vào mớ tóc dài bóng nhẩy với một vẻ khoái trá, mũi hít hít bộ ria mép
viền bọt bia.
Loadô lấy cớ là để cho khỏi cuồng cẳng, đi đến các nhà bán rượu lẻ
trong vùng chào bán rượu vang. Bà bá tước và ông chủ nhà máy xoay ra
nói chuyện chính trị. Họ dự đoán về tương lai nước Pháp. Một người tin
tưởng ở dòng họ Orlêăng, người kia tin tưởng vào một vị cứu tinh vô danh,
một vị anh hùng mãi đến lúc mọi sự đều tuyệt vọng mới xuất đầu lộ diện:
một Đuy Ghetxclanh(18), một Jan Đac(19) không biết chừng? hay một
Napôlêông đệ nhất khác? Ồ! Giả thử hoàng thái tử không đến nỗi còn măng
sữa như vậy! Cornuyđê nghe họ nói chuyện, mỉm cười ra vẻ con người hiểu
biết vận mệnh chung sẽ ra sao. Tẩu thuốc của y tỏa khói thơm nực nhà bếp.
Khi mười giờ đã điểm, lão Fonlăngvi xuất hiện. Mọi người vội vã hỏi
lão, nhưng lão chỉ có thể nhắc đi nhắc lại hai ba lần, không sai một chữ,
mấy lời như sau: “Ngài sĩ quan đã bảo tôi thế này: Ông Fonlăngvi, ông sẽ
cấm không cho xe của bọn hành khách ấy thắng ngựa sáng mai. Tôi không
muốn ho ra đi mà không có lệnh của tôi. Ông hiểu chứ? Thế là đủ”.
Mọi người liều muốn gặp tên sĩ quan. Bá tước gửi danh thiếp của ông
lên cho y, trên đó ông Carê Lamađông ghi thêm tên với tất cả mọi chức vị
của mình. Tên Phổ cho người trả lời rằng y sẽ cho phép hai người được nói
chuyện với y khi nào y ăn xong bữa sáng, nghĩa là vào khoảng một giờ.