nhẹ cả người, mặt mày mừng rỡ hẳn lên. Loadô gào to: “Úi cha cha! Nhà
này mà có sâm banh thì tôi xin khao ngay các vị một chầu”, và mụ Loadô
đâm lo khi thấy lão chủ quán trở lại với bốn chai rượu cầm tay. Ai nấy đều
đột nhiên trở nên cởi mở và ồn ào, một niềm vui nhả nhớt tràn ngập lòng
mọi người. Ông bá tước xem chừng nhận thấy bà Carê Lamađông là có
duyên, ông chủ nhà máy thì ca tụng bà bá tước. Chuyện trò thật rôm rả,
khoài trá, lắm câu ý nhị.
Bỗng Loadô, vẻ mặt lo lắng, và giơ hai tay lên hét lớn: “Lặng im!”.
Mọi người im bặt, ngạc nhiên, hầu như đã phát hoảng. Thế là hắn vểnh tai
lên, hai tay ra hiệu “Suỵt”, nghếch mắt nhìn lên trần, nghe ngóng nữa, rồi
lại nói với giọng bình thường: “Các vị hãy yên trí, mọi sự đều yên ổn cả”.
Mọi người phân vân chưa hiểu, nhưng không mấy chốc ai nấy đã mỉm
cười.
Mười lăm phút sau hắn diễn lại vẫn cái trò hề ấy, và tái diễn nó nhiều
lần buổi tối hôm đó, và hắn giả vờ nói với một người nào đó ở gác trên,
khuyên anh ta những lời khuyên hai nghĩa moi từ bộ óc nhân viên chào
hàng của hắn ta. Thỉnh thoảng hắn làm bộ buồn rầu thở dài: “Tội nghiệp cô
bé!” hoặc hắn lẩm nhẩm trong mồm, vẻ hằn học: “Cái thằng Phổ khốn
nạn!”. Đôi khi, vào lúc không ai nghĩ tới nữa, hắn kêu váng lên, tiến oang
oang, nhiều lần: “Thôi! Thôi!”, và nói thêm như tự nhủ: “Miễn là chúng ta
gặp được cô bé, miễn là nó đừng có vần cô nàng đến chết, cái thằng khốn
nạn ấy!”.
Mặc dầu những câu bông lơn ấy thật bỉ ổi, nó cũng khiến người ta
thích thú và không làm phật ý ai hết, vì sự tức giận, cũng như mọi sự khác
vậy, tùy thuộc ở môi trường, và chung quanh họ dần dần hình thành một
bầu không khí chứa chất đầy những ý nghĩ dâm đãng.
Đến tận lúc ăn tráng miệng, ngay các bà cũng nói những câu bóng gió
hóm hỉnh và kín đáo. Mắt ai nấy đều long lanh, mọi người đều đã nốc nhiều