- Thế đức cha của ông bây giờ ra sao? Viên trung tướng chợt hỏi.
- Tôi nào có biết. Hẳn ông ta đang quanh quẩn đâu đây, để trả lời các
bức điện nọ.
Ông kia ngạc nhiên nhìn ông và định hỏi tại sao, nhưng lại thay đổi ý
kiến và nói:
- Ông có biết một lần tôi đã gặp chuyện gì ở một làng kia không? Đất
thì rắn, pha cát và mặn. Đào rất khó nhọc. Khi mở các ngôi mộ, chúng tôi
thấy các xác chết vẫn nguyên vẹn. Thật là một cảnh tượng xúc động. Chúng
tôi đã phải đặt làm những quan tài lớn như cho người chết thực vậy.
- Lạ đấy nhỉ, viên tướng nói. Tôi thì chưa thấy thế bao giờ.
- Song đã hết chuyện đâu, ông kia nói. Tiếng đồn đi khắp vùng, và
vài hôm sau một người dân làng làm một bài hát về chuyện ấy.
- Một bài hát à?
- Vâng, một bài hát. Tôi đã chép cả lời bài hát đó. Tôi để ở trên kia,
trong phòng tôi. Đại ý như thế này: đất không nhận xác quân xâm lược, hay
nó không chịu nhận, đại khái như thế. Xem chừng người Albania thực sự tin
như vậy, vì họ chẳng biết gì mấy về hóa học.
- Nhưng chiến tranh thì họ biết lắm!
- À, cái đó thì đã hẳn. Bồi!
- Có lần chúng tôi còn nghe thấy một bài hát mà mới đầu chúng tôi
cứ tưởng là một sự khiêu khích kia, viên tướng nói. Song đó là một bài hát
cổ, mà lại là một bài tình ca.
- Thế à? Ông kia nói, giọng hờ hững.
- Lời đại khái như thế này: «Hỡi em Hanko xinh đẹp, đẹp như tranh,
em đừng đi chơi giữa những nấm mồ, vì em sẽ làm cho người chết sống lại.»
- Lạ nhỉ, lạ nhỉ, viên trung tướng nói.
Họ nói hồi lâu hết chuyện này sang chuyện khác, song chiến tranh và
các nghĩa địa luôn luôn trở lại trong câu chuyện. «Mỗi ý nghĩ của ta đều
mang một tấm bảng con bằng tôn, giống những tấm bảng kia, viên tướng
thầm nghĩ. Một cái biển nhỏ, chữ đã mờ và hoen gỉ, khó khăn mới đọc được.
Tấm bảng kêu lạch cạch mỗi khi có gió và hầu như lúc nào cũng có gió. Như