- Họ đi ra trận đấy ư, hở ba? Đứa con trai hỏi.
- Không, họ đã ở mặt trận về rồi.
- Thế họ đến đây để làm gì?
- Họ có người nhà đang tại ngũ nên muốn nhờ ba chuyển hộ thư và
quà.
Ăn xong, ông ra phòng khách, khách bấy giờ mới lần lượt trình bày
trường hợp của mình. Những lời họ nói mới giống nhau làm sao! Những
điều ông nghe họ kể trở thành quen thuộc quá khiến ngày nào ông cũng có
cảm tưởng đang sống lại ngày hôm trước. Nhiều khi, các bà, các chị đến hỏi
về số phận con trai hoặc chồng mình, đã không nén được òa lên nức nở khóc
khiến viên tướng càng thấy bồn chồn sốt ruột.
- Thôi đủ rồi, một hôm ông đã phải kêu lên với một bà cứ khóc hoài,
đây không phải chỗ các bà đến than khóc. Con trai bà đã hy sinh trên trường
danh dự, nơi tổ quốc cử anh đến. Anh ấy đã hy sinh anh dũng.
- Thứ anh dũng mới oan nghiệt làm sao! Người đàn bà lẩm bẩm.
Một hôm khác, một người cao lớn vừa mới bước vào đã kêu lên từ
ngưỡng cửa:
- Chuyến đi này của các ông chỉ là một chuyến lừa bịp. Viên tướng
giận tái người đi.
- Đây là giọng lưỡi quân phản bội. Cút ra ngay?
Vào khoảng giữa tuần, trong số những người chờ đợi, ông chú ý đến
một bà cụ già lụ khụ có một em gái nhỏ đi theo. Bà cụ coi có vẻ yếu lắm,
ông liền đi thẳng đến gặp.
- Con trai tôi nó vẫn ở bên ấy, bà cụ nói, tiếng rất khẽ, đứa con trai
độc nhất của tôi; rồi bà cụ rút ở trong túi áo ra một cái túi nhỏ, hay tay run
run mở túi, lấy ra một bức điện, lâu ngày đã vàng ố, đưa cho ông. Ông đọc
cái công thức thường lệ của ban chỉ huy quân sự vẫn gửi báo cho cha mẹ
biết tin con họ đã hy sinh, và ông chú ý đến đoạn cuối cùng «Hy sinh trên
trường danh dự Stalingrad».
Ông định giải thích cho bà cụ.
- Thưa cụ, tôi rất tiếc, nhưng tôi sang Albania chứ không sang Nga.