tay lên bậu cửa sổ nhìn theo nó. Vừa lúc đó, một bà cụ từ trên cửa sổ hắt cả
một chậu nước xuống, nhưng không trúng người nó. Các bà già tự bấu má
mình, nguyền rủa bọn gái điếm bằng cách dang thẳng cánh tay, bàn tay giơ
lên, năm ngón tay xòa ra chĩa về phía kẻ bị nguyền rủa, đó là cái lối nguyền
rủa đặc biệt của các bà phụ nữ nước chúng tôi. Nhưng bọn gái điếm chắc
không hiểu cử chỉ ấy, nên phá ra cười.
Sự thể lúc đầu là như vậy. Về sau, người ta cũng quen dần với tình
hình mới. Thậm chí, có những kẻ, nhân một buổi tối trời nào đó, đã lẻn đến
cái nhà đã gây ra bao nhiêu nỗi khổ tâm cho chúng tôi ấy. Có thể nói là bọn
gái điếm đã nhập dần vào cuộc sống của chúng tôi.
Nhiều khi, vào buổi tối, chúng ra đứng ở ban công. Chúng hút thuốc
lá, lơ đãng nhìn những ngọn núi xung quanh, trong lòng hẳn nhớ tới quê
hương xa vắng. Chúng đứng như vậy rất lâu, trong bóng tối, cho đến khi tít
trên đỉnh tháp giáo đường, ông tu sĩ Hồi giáo cất tiếng đều đều tụng kinh và
tất cả mọi người đã ai về nhà nấy.
Ít lâu sau, thái độ hằn học của chúng tôi đối với chúng không còn
nữa. Thậm chí, có những người còn thương hại chúng. Họ bênh chúng, nói
rằng thực ra chúng cũng chỉ là bị động viên, hoàn toàn không khác gì bọn
lính và được quân đội của chúng đài thọ. Đôi khi vì chúng mà xảy ra một vài
tai họa, chẳng hạn, một em học sinh bị bắt vì đã nói câu «quân sự hóa bọn
đĩ». Nhưng những con người khốn khổ ấy, chúng làm thế nào được, đâu phải
lỗi tại chúng?
Vậy là hình như người ta cũng quen dần với sự có mặt của lũ gái
điếm. Người ta không còn cảm thấy sỉ nhục những khi bất chợt gặp chúng
trong một cửa hàng, hay ở nhà thờ vào hôm chủ nhật; chỉ trừ có các bà cụ
già là ngày đêm còn cầu nguyện cho một quả bom «của người Anglo», như
các cụ vẫn gọi, giáng xuống cái nhà ma quỷ ấy.
Ai nấy đều bận công việc, trong cuộc sống có biết bao nhiêu điều
phiền muộn, chuyện này cũng chỉ là một phiền muộn cộng vào con số bao
nhiêu những phiền muộn khác mà thôi.
Mà bọn chúng nào có sung sướng gì cho cam!