cứu về Việt Điện U Linh Tập đều khẳng định tác phẩm này là một sáng tác
đời Trần. Chúng tôi đã trình bày những ý kiến của Lê Quý Đôn, Maspéro,
Gaspardone, Durand trong đó lập luận của hai giáo sư Gaspardone và
Durand tỏ ra vô cùng vững vàng. Đối với một tác phẩm vừa có tính cách sử
học vừa có tính cách văn học như Việt Điện U Linh Tập, sự khảo sát về
soạn niên cần phải được đặt trên những căn bản khác; căn bản ấy có thể là
kinh tế, phong tục, xã hội, luân lý, nhưng trước hết và quan trọng hơn tất cả
là vấn đề quan điểm, vấn đề ý thức hệ. Định đoạt được vấn đề này tức là
một phần nào giải quyết được vấn đề soạn niên. Vậy ý thức hệ được trình
bày trong tác phẩm là ý thức hệ gì? Nói một cách, cái tư tưởng nào đã điều
động tinh thần của các nhân vật trong tác phẩm? Họ đã nghĩ những gì? Đã
hành động ra làm sao? Đời sống của họ có được đặt theo một tiêu chuẩn
nào không?
Trước hết Lý Tế Xuyên đã tuyên bố ngay trong bài Tựa năm 1329: “Thông
minh chính trực đủ để xưng thần, trừ dâm thần, tà quái, yêu ma, vọng quỷ
thời không được lạm xưng như thế”. Thông minh chính trực, theo tác giả, là
những “vị biểu dương được vĩ tích, âm phù được sinh linh”, là những người
“đương thời thì khí thế lừng lẫy, lai diệp thì anh linh chói lọi”. Thần của tác
giả không có gì là mê tín, dị đoan. Trong truyện Lý Thường Kiệt, tác giả
viết: “Người dân nào ham chuộng ma quỷ, đồng bóng huyễn hoặc dân
chúng thì bị ông (Lý Thường Kiệt) trừng phạt sa thải để khử trừ ô phong,
cho nên lúc bấy giờ có cái dâm từ nào thì đều biến ra làm hương hỏa của
các vị phúc thần cả”. Như vậy, thần của Lý Tế Xuyên chỉ là một người,
nhưng người ấy đã sống với tất cả sức mạnh của một con người, và bởi đó
đã trở thành như một nhân vật linh thiêng và vẫn có liên lạc mật thiết với
loài người một khi đã quá cố. Thần ở đây rõ ràng là những người đã “tận kỳ
tính”, những con người đã “thành”, nghĩa là những con người hoàn toàn
theo kiểu mẫu của nho phong. Cái tính cách nho phong hiển hiện trong từng
cử chỉ của nhân vật, trong từng ngôn ngữ của họ. Lòng trung quân của Lê
Phụng Hiểu, sĩ khí của Lý Thường Kiệt, tinh thần khảng khái của Trương
Hống và Trương Hát, sự trinh liệt của Mỵ Ê, tinh thần tề gia lấy sự hiếu đễ