- Hai người ấy, ta đã dạy cho linh pháp đắc đạo trở về rồi.
Đạo Hạnh vừa lạy vừa nói duyên cớ ba người cùng đi với nhau như thế
nào, nay lại bỏ nhau, rất là ân hận. Bà lão nghe nói, bảo Đạo Hạnh:
- Hãy gánh đôi thùng nước về nhà, ta sẽ dạy linh pháp cho ngươi, cho
thêm thuật thu đất và bài chú Đà La Ni nữa.
Đạo Hạnh học được tất cả, nghĩ giận hai bạn thất ước mới niệm chú;
Minh Không, Giác Hải đi được nửa đường, bị chú, đau bụng như cắt, Đạo
Hạnh dùng thuật thu đất lại, băng bộ về trước, rồi hóa ra hổ mà núp ở trong
bụi rậm làng Ngải Cầu huyện Từ Liêm, gầm thét vài tiếng, lân cận đều kinh
hãi.
Minh Không, Giác Hải đi ngang qua đấy, nhìn nhau ngạc nhiên, bề ngoài
tuy hơi sợ nhưng trong bụng nghĩ có linh thuật lại sẵn có thông minh, biện
biệt hư thực biết quả là Đạo Hạnh hóa tướng, mới ngó lui bảo rằng:
- Mày muốn biết hậu thân của thân mày, đến đây ta bảo cho. Bảo Đạo
Hạnh rằng:
- Bọn ta cùng được Thế Tôn dạy dỗ, đạo quả đã tròn, hậu thân mày phải
ra lại thế gian làm vua, nhưng bệnh trái khó bề tránh được. Bọn ta với mày
có duyên, phải đến cứu giúp nhau.
Đạo Hạnh khi ấy bỏ hết giận cũ, cùng nhau truyền đổi phép tiên, đi trên
mặt nước, bay ở không trung, rồng phải xuống chầu, hổ phải nép, bay lên
trời thu đất lại, muôn quái nghìn kỳ, vào thần ra quỷ, chẳng ai dò được
huyền diệu. Khi ấy mới nhường Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm
anh thứ, Giác Hải làm em út, chỗ ấy nay gọi là Bán Kiều.
Minh Không, Giác Hải từ về chùa Giao Thuỷ, Đạo Hạnh tu luyện ở chùa
Thiên Phúc, núi Thạch Thất; trước chùa có hai cây cổ tùng, người đời gọi là
long thụ. Đạo Hạnh ngày thường chuyên đọc bài chú Đại Bi Tâm Đà La Ni,
cứ đủ ức vạn nghìn lần thì cây tùng rụng xuống một nhánh. Đọc chú xong,
hai cây tùng đều trụi hết. Đạo Hạnh tưởng được Quan Thế Am đã đến ứng
hộ, cái sức phù chú của mình đã thấu đến Thiên Đường.