Đệ tử nghe xong, ai nấy đều cảm kích mà khóc, Đạo Hạnh thuyết bài kệ
rằng:
Cuối thu chẳng báo nhạn về đây.
Dễ khiến nhân gian động nhớ thầy.
Tỏ dấu người đời không ý tiếc,
Sư xưa mấy độ lại sư nay.
Đọc xong, đi lên tiên động, va đầu vào vách đá, giẫm chân lên bàn đá,
nghiễm nhiên thây rã ra rồi hóa, nay dấu in vẫn còn. Năm ấy là năm Bính
Thân, niên hiệu Hội Tường Đại thánh thứ ba, ngày mồng bảy tháng ba mùa
xuân.
Từ khi Niết Bàn xuất thế, Đạo Hạnh làm con Sùng hiền hầu, không phiền
dưỡng dục mà mau lớn, không cần huấn giáo mà thông minh, diện mạo
khôi ngô, tài biện bạt chúng, vua chiếu đòi vào cung giáo dưỡng, sắc phong
làm hoàng tử.
Vua Nhân Tông băng, hoàng tử lên ngôi tức là vua Thần Tông.
Đến năm Bính thìn, thời kỳ hai mươi mốt tuổi xuân, tự nhiên vua thấy
thân mình hóa lông mọc vuốt, dần dần biến thành hổ; danh sư bốn phương
chữa không thấy khỏi; Minh Không, Giác Hải nghe vua bị tật lạ, quả
nghiệm lời nói trước mới làm ra một bài ca dao mà dạy cho trẻ hát rằng:
Muốn lành bệnh Thiên tử,
Phải tìm sư Minh Không.
Khi ấy trẻ con hát rầm, triều đình sai Sứ đến chùa Giao Thuỷ yết sư Minh
Không rằng:
- Nay Thiên tử bị kỳ tật, triều đình sai Sứ qua rước Sư để chữa bệnh cho
Thiên tử.
Minh Không, Giác Hải lấy cái nồi nhỏ nấu cơm rồi mời Sứ giả và quân
lính tuỳ tùng rằng: